Những nữ quái rút ruột ngân hàng ngàn tỷ

Mấy năm gần đây, nhiều vụ rút ruột ngân hàng cả ngàn tỷ đồng đã xảy ra khiến cho dư luận bất an… Trong đó, không ít tội phạm của nhiều vụ tham ô, rút ruột lại chính là phụ nữ, có trình độ, giữ chức vụ cao ở các ngân hàng.

"Quả bom" 4.000 tỷ đồng của Huyền Như

 

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh TP.HCM - lừa đảo, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của hơn 33 doanh nghiệp và 20 cá nhân gây xôn xao dư luận thời gian qua.

 

Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2007, khi còn là cán bộ tín dụng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, bà Như đã vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, bà Như không có khả năng thanh toán.

 

Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 đến 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, bà Như đã làm giả 8 con dấu Chi nhánh Nhà Bè của ngân hàng này và 7 công ty khác, đồng thời làm giả tài liệu của Vietinbank cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng hơn 4.911 tỉ đồng.

 

“Trùm” tín dụng đen Huỳnh Thị Huyền Như
“Trùm” tín dụng đen Huỳnh Thị Huyền Như

 

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thực chất đây là vụ vỡ nợ tín dụng “đen” kiểu mới lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam và 3.600 tỷ đồng chỉ là con số thiệt hại, còn tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

 

Sự kiện đổ bể, đường dây của “trùm” tín dụng đen Huỳnh Thị Huyền Như đã kéo theo nhiều cá nhân, tổ chức ngân hàng tan rã hoặc điêu đứng. Hiện vụ án gây chấn động này vẫn đang trong giai đoạn điều tra mở rộng.

 

Giám đốc chi nhánh Agribank: Phi vụ 3.000 tỷ đồng

 

Liên quan đến vụ gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), ngoài ông Phạm Thanh Tân - nguyên tổng giám đốc Agribank - cùng một số cá nhân đã bị khởi tố, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi, nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) về hành vi “Vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Cụ thể, bà Lượng có sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn đầu tư dự án.

 

Theo điều tra, năm 2007, dự án Luxfashion xây dựng nhà máy may, do Công ty liên doanh Lifepro Vietnam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và đã giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỷ đồng...

 

 
Khuôn viên dự án 305 triệu USD do Agribank tài trợ vốn giờ trở nên
Khuôn viên dự án 305 triệu USD do Agribank tài trợ vốn giờ trở nên  hoang lặng.

 

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án này đã đi vào hoạt động nhưng chỉ sau vài tháng đã ngừng hoạt động vào tháng 8/2012, giám đốc công ty bỏ về nước. Để thu hồi khoản nợ, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có văn bản đề nghị công ty này không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, cổ đông hay mọi sự thay đổi khác khi chưa có ý kiến của ngân hàng do toàn bộ tài sản của dự án đã được thế chấp, vay vốn tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, yêu cầu thu xếp tài chính trả nợ ngân hàng nhưng đến nay vẫn không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.

 

Cơ quan điều tra tình nghi Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay vốn đầu tư đã không thẩm định đúng tình hình dự án, dẫn đến nguy cơ mất vốn.  Cụ thể, trong hợp đồng vay vốn này, lãnh đạo Agribank đã cho Lifepro Việt Nam dùng quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang mua từ nước ngoài, thế chấp vay 70 triệu USD (hơn 1.464 tỷ đồng). Chẳng khác nào Agribank đã nhận thế chấp “đàn vịt giời” của doanh nghiệp...

 

Nữ quái rút ruột NH cùng người yêu đánh bạc

 

Viện KSND tỉnh Ninh Thuận đã hoàn tất cáo trạng vụ án “tham ô tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đánh bạc” xảy ra tại ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chi nhánh Tháp Chàm - tỉnh Ninh Thuận.

 

Cáo trạng truy tố Mai Đình Nguyên Hạ (SN 1985) - nguyên cán bộ tín dụng về tội "tham ô tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "đánh bạc". Nữ cán bộ tín dụng này đã "ôm" hơn 9,4 tỷ đồng để cùng chàng người yêu nguyên là một cảnh sát cơ động chơi cá độ bóng đá.

 

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011, Hạ nhiều lần lập hồ sơ vay vốn giả, vay thế chấp, giả chữ ký khách hàng… rút hơn 9,4 tỷ đồng của ngân hàng. Cộng với các mối quen biết, Hạ vay mượn của những người quen số tiền gần 3,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó được Hạ và người yêu đem "nướng" cá độ bóng đá và tiêu xài.

 

Trưởng phòng ngân hàng tham ô gần 6,7 tỷ đồng

 

Ngày 10/8/2012, Công an tỉnh Phú Yên đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Lệ Đông (SN 1974, trú tại phường 3, TP Tuy Hòa), là Trưởng phòng Quản lý và dịch vụ kho quỹ Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên, để điều tra những sai phạm nghiêm trọng.

 

Nguyễn Thị Lệ Đông (giữa)
Nguyễn Thị Lệ Đông (giữa)

 

Theo cơ quan công an, khi còn đương chức, bà Đông đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt khoảng 6,7 tỷ đồng của BIDV chi nhánh Phú Yên.

 

Được biết, bà Nguyễn Thị Lệ Đông là “cánh tay mặt” của nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Phú Yên Nguyễn Công, người bị cách chức Giám đốc vào ngày 23/4/2012 do chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý đối với hoạt động tín dụng, mắc nhiều sai sót trong chỉ đạo điều hành, dẫn đến phát sinh nợ xấu.

 

“Rút ruột” ngân hàng gần 2,5 tỷ đồng chơi chứng khoán

 

Trong quá trình làm việc, Dương Thị Thu Hằng (SN 1983), nguyên kiểm soát viên Ngân hàng Thương mại Chinfon (từ 1/4/2010 đổi tên thành Ngân hàng thương mại Taipei Fubon) phát hiện ngân hàng có sơ hở trong quản lý nên đã nảy ý đồ chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Thủ đoạn của nữ kiểm soát viên này là sửa chữa chứng từ, không viết bút toán tiền lãi gửi lên phòng kế toán mà tự làm bút toán cân đối, làm bút toán hạch toán sai để tạo ra số tiền chênh lệch từ tài khoản phí và lãi của ngân hàng.

 

Đối tượng Dương Thị Thu Hằng
Đối tượng Dương Thị Thu Hằng

 

Sau đó, Hằng làm lệnh chuyển tiền từ tài khoản Ngân hàng Chinfon đến tài khoản cá nhân của Hằng tại chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Láng Hạ và đến tài khoản của mẹ đẻ Hằng tại Yên Bái và tài khoản của chị gái ở Bình Dương. Tương tự như vậy, qua hệ thống chuyển tiền điện tử của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Hằng làm lệnh chuyển tiền từ tài khoản của Ngân hàng Chinfon đến tài khoản của chồng Hằng tại Techcombank.

 

Sau khi thực hiện trót lọt hành vi này, Hằng hủy các lệnh chuyển tiền và các chứng từ đã sửa chữa. Bằng thủ đoạn trên, từ giữa tháng 9 đến giữa 11/2009, Hằng đã chiếm đoạt của Ngân hàng Chinfon tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Số tiền này bị Hằng dùng để đầu tư chứng khoán, chi tiêu và trả nợ cá nhân. Sau khi biết việc Hằng chiếm đoạt tiền của ngân hàng, những người thân của Hằng đã nộp lại cho Ngân hàng Chinfon trên 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

 

Nữ cán bộ Agribank tham ô 6 tỷ đồng

 

Ngày 11/5/2011, Công an huyện Thường Tín đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Nhung (46 tuổi, xã Văn Bình) cùng Ngô Thị Mỹ Liên (31 tuổi, ở quận Hà Đông, HN)) để điều tra hành vi tham ô tài sản. 

 

Lợi dụng là cán bộ ngân hàng nên trong quá trình giao dịch, Nhung đã cấu kết với Liên tham ô của cơ quan số tiền hơn 6 tỷ đồng để làm ăn.  Sau khi bị phát hiện, Nhung và Liên đã không thể hoàn trả số tiền này.

 

Theo Hạnh Giang (Tổng hợp)

VietnamNet