1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những nghệ nhân lụa Vạn Phúc và công việc đi ngược lại chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng

(Dân trí) - Câu chuyện về các sản phẩm thủ công bị đe dọa bởi hàng hóa sản xuất hàng loạt không phải là một điều mới. Nhưng câu chuyện làng lụa Vạn Phúc ở Việt Nam được đăng trên kênh The Channel Asia mới đây cho thấy góc nhìn khác. Dân trí xin giới thiệu bài viết này:

Bản sắc của các hãng hàng hóa xa xỉ thường gắn liền với sự sáng tạo và kỹ năng của các nghệ nhân đằng sau từng món hàng.

Một trường hợp điển hình là Hermes - một những những nhãn hiệu xa hoa nổi tiếng trên thế giới, nơi công nhân bắt buộc phải dành nhiều năm để học cách làm việc với các vật liệu quý như da và lụa, để tự tay thiết kế ra những mặt hàng mang đặc trưng riêng của mình.

Cách tiếp cận này cho phép công ty tự phân biệt và cạnh tranh trong một thị trường tràn ngập hàng hóa với chi phí thấp nhưng giống hệt nhau, không có bản sắc riêng liên quan tới truyền thống, thủ công hay văn hóa.

Và tất nhiên, không chỉ có một vài công ty tiếp cận với thị trường theo cách này – ở Việt Nam, cũng có một vài nơi hiện chưa được nhiều người biết đến và nằm ở những vùng ngoại vi. Ví dụ như làng Vạn Phúc, Hà Nội nơi chuyên dệt lụa từ thế kỷ 13.

Những nghệ nhân lụa Vạn Phúc và công việc đi ngược lại chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng - 1
Làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội

Truyền thống khác, cạnh tranh mới

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, Vạn Phúc được coi là làng sản xuất tơ lụa lâu đời nhất và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Trong các cửa hàng nơi bán các sản phẩm lụa của Vạn Phúc, có những hàng hóa tương tự được sản xuất tại Trung Quốc. Dựa trên các sản phẩm đa dạng và giá cả, việc phân biệt giữa hai loại này tương đối dễ dàng. Do các phương pháp thủ công được sử dụng bởi các nghệ nhân Vạn Phúc, các sản phẩm của họ thường đắt hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc.

Trong một bài báo về làng nghề này do VTV thực hiện, một người bán hàng trong làng đã nói rằng:

“Nhiều nơi hiện nay bán rất nhiều sản phẩm tơ tằm của Trung Quốc, chúng phổ biến hơn nhiều so với sản phẩm của Vạn Phúc, vì chúng rẻ hơn và đa dạng”

“Mẫu lụa Vạn Phúc không đa dạng như mẫu của Trung Quốc vì sản phẩm của chúng tôi được sản xuất thủ công. Do đó, mô hình của chúng tôi vẫn còn rất khác biệt. Có nhiều điểm đặc trưng không thể nhầm lẫn ở các sản phẩm của Vạn Phúc", một nghệ nhân dệt lụa ở Vạn Phúc có kinh nghiệm cũng cho biết thêm.

Theo một chủ cửa hàng và nghệ nhân địa phương, giá lụa tự nhiên là khoảng 1.700.000 đồng mỗi kg trong khi giá của một kg sợi polyester (nguyên liệu để sản xuất lụa nhân tạo) là khoảng 50.000 đến 60.000 đồng mỗi kg .

“Các sản phẩm của Vạn Phúc không chỉ được làm từ lụa tự nhiên mà còn có các hoa văn truyền thống được tạo ra trong quá trình dệt tinh xảo. Trong khi các sản phẩm lụa Trung Quốc thường được in hoa văn và được làm bằng vải lụa nhân tạo. Mỗi sản phẩm của Vạn Phúc đều đã được cải tiến từ thế hệ này sang thế hệ khác, để đảm bảo chất lượng cao.”

Những nghệ nhân lụa Vạn Phúc và công việc đi ngược lại chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng - 2
Lụa Vạn Phúc được sản xuất thủ công

Rủi ro

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng trả tiền và đánh giá cao các sản phẩm của Vạn Phúc. Mặc dù có bản sắc truyền thống, chất lượng và sự sáng tạo trong từng sản phẩm, Vạn Phúc đang ngày càng có nguy cơ bị mất thị trường.

Trong làng, vải lụa và các sản phẩm lụa được bán trực tiếp tại các xưởng thủ công hoặc cửa hàng bán lẻ tại nhà, các của hàng trực tiếp thuộc sở hữu của các nghệ nhân.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, nhiều thợ thủ công có ít không gian hơn để sản xuất các sản phẩm của riêng họ. Các xưởng lụa truyền thống có nguy cơ biến mất, được thay thế bằng các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được bán tại các cửa hàng bán lẻ.

Câu chuyện về các sản phẩm thủ công bị đe dọa bởi hàng hóa sản xuất hàng loạt không phải là một điều mới, và xuất hiện ở khắp mọi nơi. Làm thế nào để đi đến một giải pháp lâu dài là câu hỏi thực sự.

Trong trường hợp của Hermes, bản sắc của nó được liên kết chặt chẽ với một địa phương - đó không chỉ là Hermes, mà là Hermes - Paris. Ở đây, những ký ức, ý tưởng, cảm giác, thái độ, giá trị, sở thích, ý nghĩa và quan niệm về hành vi đóng một vai trò rất lớn.

Thực tế, mỗi sản phẩm của Hermes, ta đều cảm giác được hơi thở thuộc về Paris, và sự thanh lịch của Pháp, đây là một phần quan trọng trong những điểm thu hút khách hàng đến với hàng hóa.

Các nghệ nhân Vạn Phúc gần đây đã nhận thấy tầm quan trọng của bản sắc địa phương. Các sản phẩm của họ bây giờ có dòng chữ “lụa Vạn Phúc” hay “lụa Hà Đông”. Điều này cho phép các nghệ nhân địa phương tự phân biệt, khẳng định chất lượng cao của các sản phẩm lụa truyền thống Vạn Phúc so với các sản phẩm thông thường, và lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Về lâu dài, danh tiếng Vạn Phúc cần được mở rộng đến quy mô địa lý rộng hơn - không chỉ trong nước mà cả quốc tế - sản phẩm của họ có thể sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Thùy Dung

Theo CNA