Những mốc chính của khủng hoảng nợ châu Âu
(Dân trí) - Thế giới bắt đầu run sợ với khủng hoảng nợ châu Âu khi chính phủ mới của Hy Lạp vào ngày 5/11/2009 công bố mức thâm hụt ngân sách 12,7% GDP, gấp 4 lần mức cho phép của eurozone.
10/6/2010 Thỏa thuận để cải tổ thị trường lao động Tây Ban Nha sụp đổ. Chính phủ buộc phải áp dụng quy định tuyển dụng và sa thải lỏng lẻo hơn dù không có sự hỗ trợ của nghiệp đoàn lao động.
9/6/2010 Kế hoạch thắt chặt ngân sách được bàn đến trong các cuộc bầu cử và Đảng có chủ trương này đã chiến thắng. Tuy nhiên cuối cùng, thật khó để các nhà hoạch định chính sách thống nhất với nhau.
8/6/2010 Công đoàn Tây Ban Nha công bố 75% người lao động trong lĩnh vực công không đi làm để thể hiện sự phản đối kế hoạch thắt chặt chi tiêu của chính phủ. Tỷ lệ lạm phát của Hy Lạp tháng 5/2010 tăng 5,4%, vượt mọi kỳ vọng của các chuyên gia và lên mức cao nhất từ tháng 8/1997.
7/6/2010 Đảng của Thủ tướng Đức chấp thuận kế hoạch thắt chặt ngân sách và thuế để hoàn thành mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách của Đức về mức quy định của Liên minh châu Âu trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2013.
29/5/2010 Hàng ngàn người biểu tình ở Lisbon - Bồ Đào Nha để phản đối kế hoạch thắt chặt ngân sách của chính phủ.
28/5/2010 Fitch hạ xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha từ AAA xuống AA+ bởi nợ tiêu dùng và doanh nghiệp tại nước này tăng lên mức quá cao, đó là chưa kể đến nợ công đang ở mức đáng báo động.
27/5/2010 Quốc hội Tây Ban Nha chấp thuận kế hoạch thắt chặt ngân sách nhằm tiết kiệm 15 tỷ euro tương đương 18,4 tỷ USD
25/5/2010 Nội các Italia bỏ phiếu thông qua kế hoạch thắt chặt ngân sách, tiết kiệm 24 tỷ euro với mục tiêu đến năm 2012 đưa thâm hụt ngân sách về mức 2,7% GDP từ mức 5,3% của năm 2009.
18/5/2010 Chính phủ Đức, trong nỗ lực ngăn hoạt động đầu cơ tài chính được coi như nguyên nhân dẫn dến khủng hoảng nợ, công bố cấm bán khống vô căn cứ cổ phiếu của 10 tổ chức tài chính lớn nhất tại Đức, trái phiếu chính phủ đồng euro và hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS).
10/5/2010 Các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu đưa ra kế hoạch khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro để hỗ trợ thị trường tài chính và vực dậy đồng euro, ngăn đồng tiền này chịu ảnh hưởng tệ hại từ khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Gói giải cứu bao gồm 440 tỷ euro từ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, 60 tỷ euro từ công cụ nợ của châu Âu. IMF đóng góp 250 tỷ euro, tổng số tiền lên tới 750 tỷ euro tương đương khoảng gần 1.000 tỷ USD tính theo tỷ giá ở thời điểm đó.
9/5/2010 IMF đơn phương chấp thuận trước một phần kế hoạch giải cứu, cung cấp lập tức 5,5 tỷ euro.
2/5/2010 Thủ tướng Hy Lạp cho biết chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận với EU và IMF để nhận được gói giải cứu, đổi lại nước này phải giảm chi tiêu 30 tỷ euro trong 3 năm tới.
Gói giải cứu Hy Lạp nhận được bao gồm 110 tỷ euro trong 3 năm. Đây là nước đầu tiên tại khu vực đồng tiền chung châu Âu được hỗ trợ. Chính phủ Đức đồng ý góp 22,4 tỷ euro tương đương 30 tỷ USD cho kế hoạch cứu Hy Lạp.
23/4/2010 Hy Lạp cầu cứu EU và IMF.
11/4/2010 Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu chấp thuận kế hoạch 30 tỷ euro dành cho Hy Lạp, tuy nhiên Hy Lạp tuyên bố không cần.
29/1/2010 Chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch tiết kiệm 50 tỷ euro tương đương 70 tỷ USD trong đó tổng số tiền chi tiêu giảm tương đương 4% GDP. Lương lao động trong lĩnh vực công giảm 4%.
14/1/2010 Chính phủ Hy Lạp công bố kế hoạch bình ổn, chính phủ Hy Lạp tuyên bố muốn giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 2,8% GDP vào năm 2012.
22/12/2009 Moody hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp xuống mức A2 từ mức A1 bởi thâm hụt ngân sách của nước này tăng cao. Đây là cơ quan thứ 3 hạ xếp hạng tín dụng của Hy Lạp.
5/11/2009 Thủ tướng Hy Lạp cho biết thâm hụt ngân sách năm 2009 sẽ ở mức 12,7% GDP, cao gấp đôi con số công bố trước đó và sẽ cố gắng cứu Hy Lạp khỏi khả năng vỡ nợ.
Ngọc Diệp
Theo Reuters