Những loại dự án cần thực hiện "quyền lựa chọn" trong thu hút FDI
TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chia sẻ với Báo Đầu tư về quyền lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau vụ việc của Formosa.
Thưa ông, sau vụ việc Formosa, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi về việc nên chuyển hướng thu hút FDI như thế nào, cũng như nhắc lại chuyện “quyền lựa chọn” của Việt Nam. Là một trong những người có nhiều kinh nghiệm và đã nhiều lần nhấn mạnh “quyền lựa chọn”, ông nghĩ thế nào về những đòi hỏi này của dư luận xã hội?
Phải nói rằng, Chính phủ vừa rồi xử lý sự cố của Formosa một cách rất khoa học, khách quan. Đây là một sự cố rất nghiêm trọng nên không thể vội vã đưa ra kết luận. Qua vụ việc này, cần phải rút ra nhiều kinh nghiệm trong thu hút không chỉ FDI mà cả đầu tư trong nước.
Nói về quyền lựa chọn, tôi cho rằng đã đến lúc cần có thái độ nghiêm túc về vấn đề này. Có mấy loại dự án mà chúng ta nên tính đến “quyền lựa chọn” của mình.
Thứ nhất là dự án lọc hóa dầu. Hiện tính cả các dự án đã triển khai hoặc chưa, chúng ta đã có công suất 55-60 triệu tấn, từ Nghi Sơn, Vũng Rô…, chưa nói đến Dự án Nhơn Hội đang tạm hoãn lại. Hóa dầu của mình xuất phát từ khai thác dầu thô, nhưng khai thác của Việt Nam chỉ khoảng 15-16 triệu tấn/năm. Cộng thêm nếu Lọc dầu Dung Quất mở rộng công suất, phải nhập thêm dầu nhẹ của Trung Đông để trộn vào, thì để các nhà máy hoạt động đúng công suất 55-60 triệu tấn, phải nhập 35-40 triệu tấn dầu. Chúng ta tiêu thụ xăng dầu như hiện nay chỉ 20 triệu tấn/năm, có tăng trưởng 10%/năm thì vẫn thừa.
Trong khi đó, nhà máy lọc hóa dầu chiếm đất rất nhiều, giải quyết việc làm cho lao động cũng chỉ 5.000 - 7.000 người, giá trị gia tăng không quá lớn, lợi thì không bao nhiêu, nhưng ô nhiễm môi trường thì nguy cơ rất lớn. Như BP bao nhiêu năm mãi vẫn chưa xử lý xong sự cố ở Mỹ. Các địa phương cứ thích những dự án hàng tỷ, hàng chục tỷ USD, nhưng trong bối cảnh này, tôi cho rằng, cân nhắc lợi ích thì không nên cấp phép bất cứ dự án lọc dầu nào nữa.
Thứ hai là dự án xi măng, hãy thử xem trên thế giới có bao nhiêu nước thực sự xuất khẩu xi măng, rất ít. Xuất khẩu xi măng là xuất khẩu đá vôi, xuất khẩu tài nguyên. Ở Kiên Giang có thị trấn Hà Tiên, người dân đang khốn khổ vì xi măng, vì bụi, vì ô nhiễm. Sản xuất 65-70 triệu tấn xi măng/năm tức là phải khai thác 70-80 triệu tấn đá vôi, 10 năm mất 1 tỷ tấn đá vôi, có nghĩa là chúng ta mất không biết mất bao nhiêu ngọn núi. Trong khi đó, còn chưa biết ảnh hưởng đến khí hậu, môi trường thế nào. Hiện chúng ta đã phải nhập khẩu than, sản xuất xi măng thì cần có than, nếu cứ tiếp tục sản xuất rồi xuất khẩu xi măng như vậy là không ổn, cần xem xét và chấm dứt cấp phép các dự án xi măng.
Vậy còn các dự án sắt thép kiểu như Formosa, thưa ông? Đây cũng là những dự án dễ gây tổn hại môi trường…
Đúng là như vậy, đây là loại dự án thứ ba mà chúng ta nên thực hiện “quyền lựa chọn” của mình. Đáng nói là, cho đến giờ, chúng ta vẫn thực hiện các dự án sắt thép theo công nghệ lò cao, mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc đang khốn khổ vì nó, bởi loại công nghệ này cho ra phế thải, khí thải kinh khủng.
Việt Nam giờ đã ký công ước về biến đổi khí hậu rồi mà vẫn tiếp tục sản xuất xi măng, sắt thép theo công nghệ cũ thì rất nguy hiểm. Nên chuyển hướng sang sản xuất hợp kim cao cấp. Điều này ngay từ thuở sinh thời, ông Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Phó chủ tịch HĐBT - pv) đã nói, dại gì mà làm sắt thép lò cao, mà phải là làm hợp kim cao cấp công nghệ hiện đại. Với các dự án sắt thép, chúng ta cũng phải xem xét lại toàn bộ và kiên quyết không cho dùng công nghệ cổ điển nữa. Mình là quốc gia đi sau, có quyền để lựa chọn công nghệ hiện đại hơn.
Tôi cũng muốn nhắc đến một loại dự án thứ tư cần cẩn trọng xem xét, đó là dự án dệt nhuộm. Việt Nam ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông đã đăng ký đầu tư vào hàng tỷ USD. Mình cần các dự án này, vì cần thực hiện nguyên tắc từ sợi trong TPP để được hưởng ưu đãi. Nhưng không thể dành toàn bộ dự án dệt nhuộm cho FDI, nếu doanh nghiệp trong nước có khả năng thì dành cơ hội cho họ. Còn với các dự án FDI thì cương quyết bắt họ dành tỷ lệ thỏa đáng vốn đầu tư vào xử lý môi trường, đặc biệt chất thải, nước thải, chỉ khi nào đạt tiêu chuẩn về xử lý chất thải thì mới cho triển khai.
Phải khẳng định rằng, sự cố Formosa chính là cơ hội rất tốt để Việt Nam xem lại toàn bộ dự án đầu tư của mình theo hướng có chọn lọc. Quyền lựa chọn của chúng ta là không phải chọn dự án lớn, mà phải vì những lợi ích đối với kinh tế - xã hội của địa phương, của cả vùng và lợi ích của quốc gia.
Thưa ông, Formosa chỉ là một chuyện, nhìn rộng ra còn rất nhiều dự án khác, ví như Lee&Man mới đây được cảnh báo và cả các dự án sắp tới được cấp phép. Làm thế nào để chúng ta có thể tránh được vết xe đổ Formosa?
Đầu tiên là phải kiểm soát việc thực thi các cam kết của Formosa. Phải nói rằng, nguy cơ tái phạm của Formosa là rất cao, bởi bây giờ họ mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, bắt đầu đưa vào vận hành. Họ đã cam kết chuyển công nghệ xử lý nước thải từ qua nước thành khô, do vậy cần lập ra một hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, yêu cầu Formosa trình bày phương án mới của mình, để từ đó tư vấn cho Hà Tĩnh và Chính phủ rằng công nghệ đó phù hợp hay không. Chúng ta cũng cần đầu tư cho một tổ chuyên môn quan trắc cho môi trường của Formosa nói riêng, cả Vũng Áng nói chung, để giám sát chặt việc xả thải của các dự án này, không để tái phạm.
Còn với các dự án khác, tôi cho rằng, Chính phủ phải nghiên cứu đưa ra được các điều kiện rất cụ thể đối với bảo đảm môi trường của từng loại dự án, những dự án nào dứt khoát không cấp phép, dự án nào phải có điều kiện mới được cấp phép và phải kiên quyết, dứt khoát tuân thủ nghiêm túc các điều kiện này. Như vậy mới hy vọng chúng ta không phải trả giá đắt về môi trường như hiện nay.
Theo Đầu tư