1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những lần "hụt chân" của Asanzo - công ty do ông Phạm Văn Tam sáng lập

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Asanzo từ công ty trong top đầu hàng điện tử tại Việt Nam, gặp biến cố bị cáo buộc gian lận hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt, bị xử phạt và truy thu thuế hơn 47 tỷ đồng...

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam và ông Phạm Xuân Tình về tội trốn thuế. Hai vị này lần lượt là nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định ông Tam đã chỉ đạo ông Tình ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty nhưng không xuất hóa đơn. Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng. Hiện vụ việc được Công an TPHCM mở rộng điều tra.

Biến cố gian lận hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt

Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, là nhà sáng lập Tập đoàn Asanzo. Còn Tập đoàn Asanzo từng trong top 3 thị trường điện tử Việt Nam, chuyên bán các loại tivi, máy lạnh và phục vụ chủ yếu phân khúc khách hàng ở nông thôn.

Báo chí dẫn số liệu Asanzo cung cấp, năm 2016, đơn vị này bán 500.000 chiếc tivi, chiếm 15% thị phần. Đến năm 2017, hãng này bán 710.000 chiếc tivi, tăng 42%.  Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước.

Tivi Asanzo được định hướng là thương hiệu tivi dành cho người Việt ngay từ khi xuất hiện trên thị trường vào năm 2013. Tại một lần chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Tam bày tỏ mong muốn "bé nhỏ" là Asanzo trong vòng 5-10 năm nữa có thể làm được những sản phẩm tử tế cho người Việt mình.

Thời điểm đó, Asanzo có 3 nhà máy: 2 nhà máy ở TPHCM, 1 nhà máy ở Hải Dương với công suất riêng mặt hàng tivi là 2.500 chiếc/ngày. Công ty còn có kế hoạch tiếp tục đầu tư nhà máy rộng 17.000 m2 tại Củ Chi (TPHCM) với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng trong năm 2018.

Tuy nhiên, vào giữa năm 2019, Asanzo vướng vào cuộc khủng hoảng lớn khi dính nghi án "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam". Theo phản ánh của báo chí, tập đoàn này đã sử dụng những công ty "ma" để nhập khẩu linh kiện điện tử, sản phẩm điện gia dụng thành phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Sau đó, các sản phẩm được "hô biến" từ Made in China (Sản xuất tại Trung Quốc) sang sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, Asanzo cho công nhân gỡ tem "made in China" trên sản phẩm rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" trước khi tung ra thị trường.

Những lần hụt chân của Asanzo - công ty do ông Phạm Văn Tam sáng lập - 1

Ông Phạm Văn Tam từng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài (Ảnh: Đại Việt).

Trả lời báo chí, ông Tam thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi, máy lạnh là nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam. Ông chủ Asanzo cho rằng, đây là điều bình thường đối với doanh nghiệp sản xuất điện tử trên thế giới.

Cuối năm 2019, trả lời báo chí tại họp báo, ông Phạm Văn Tam cho biết sau nghi án "đột lốt hàng Việt", doanh nghiệp ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng và thực tế còn nhiều hơn thế.

Năm 2020, Bộ Công an có kết quả điều tra vụ việc trên. Về hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam", hoặc "Chế tạo tại Việt Nam", "Nước sản xuất Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam" hoặc "Sản xuất bởi Việt Nam" là phù hợp quy định.

Bởi pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam".

Cơ quan này cũng cho biết chưa nhận được bất cứ đơn tố cáo hay tố giác Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.

Kết luận cũng cho rằng  chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng hóa có xuất xứ Việt Nam tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.

Asanzo từng bị xử phạt, truy thu thuế

Trước khi ông Phạm Văn Tam nhận được quyết định khởi tố về tội trốn thuế, Tập đoàn Asanzo từng bị phạt, truy thu hơn 68 tỷ đồng tiền thuế.

Cụ thể, Asanzo bị truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng (gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân). Số tiền chậm nộp thuế là 1,6 tỷ đồng.  Ngoài ra, doanh nghiệp bị xử phạt tình tiết tăng nặng với mức phạt 26,3 tỷ đồng, do sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.

Cục thuế TPHCM cũng chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Asanzo.

Những lần hụt chân của Asanzo - công ty do ông Phạm Văn Tam sáng lập - 2

Asanzo từng bị xử phạt và truy thu thuế (Ảnh: N.T).

Tuy nhiên sau đó, Cục Thuế TPHCM đã hủy một phần quyết định truy thu và phạt thuế đối với Asanzo từ mức hơn 68 tỷ đồng xuống còn hơn 47 tỷ đồng. Việc hủy bỏ nhằm đảm bảo một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự - PV).

Lí do Cục Thuế TPHCM hủy một phần truy thu và phạt thuế là do Công ty Asanzo có "hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định". Sau đó, tòa án sẽ quyết định mức xử phạt theo quy định của Luật hình sự.

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM từng cho rằng thủ đoạn lách thuế của Công ty Asanzo rất tinh vi. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa bán cho Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo) lại do chính người lao động của Công ty Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này làm đại diện pháp luật để "bùa phép" hóa đơn, trốn thuế.

Hành vi lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch. Cụ thể, sau khi Công ty Asanzo và các công ty thuộc hệ thống của Asanzo chuyển cho các công ty nêu trên thì tiền được chuyển ngược lại cho công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo; hoặc bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo rút tiền ra với tổng số tiền là hơn 507 tỷ đồng.

Sau lùm xùm tại Asanzo, đến năm 2021, ông Tam tổ chức lễ ra mắt trang trại sinh thái và thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò ở tỉnh Hòa Bình. Lúc đó, ông Tam cho biết đã cùng một nhóm đầu tư 2.000 tỷ đồng để chăn nuôi bò và sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng ông Tam không đầu tư vào trang trại bò mà chỉ mua phân bón.