Những kỷ lục của giá vàng tuần qua, chốt tuần trên 82 triệu đồng/lượng

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Cả giá vàng quốc tế lẫn trong nước tuần qua đều liên tục phá đỉnh lịch sử. Vàng thế giới 4 phiên liên tiếp lập đỉnh mới trong khi vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng, vàng miếng vượt 82 triệu đồng mỗi lượng.

Kết thúc tuần vừa rồi (4/3-9/3), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết giá tại 79,5-82 triệu đồng/lượng (mua - bán), là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay của kim loại này.

Đầu tuần, vàng miếng mở cửa được giao dịch tại 78,2-80,2 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, sau một tuần giao dịch, giá chiều mua đã tăng 1,3 triệu đồng còn giá chiều bán tăng 1,8 triệu đồng. Chênh lệch 2 chiều mua - bán tăng từ 2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh với giá chốt tuần tại 68,35-69,7 triệu đồng/lượng (mua - bán). Phiên ngày thứ 7, có thời điểm vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng ở chiều bán, lập kỷ lục mọi thời đại, cũng là vùng giá cao nhất mà vàng nhẫn có được từ trước đến nay.

So với hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 13%. Người mua vàng nhẫn từ đầu năm đang có khoản lãi hơn 6 triệu đồng/lượng. Còn nếu chỉ tính riêng trong tuần này, vàng nhẫn trơn tại các doanh nghiệp trong nước có mức tăng khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng.

Những kỷ lục của giá vàng tuần qua, chốt tuần trên 82 triệu đồng/lượng - 1

Vàng trong nước, quốc tế liên tục lập đỉnh (Ảnh: Thành Đông).

Vàng trong nước tăng đồng pha với thế giới. Chốt tuần, mỗi ounce vàng thế giới được giao dịch tại 2.178 USD. Trước đó, phiên 8/3, có thời điểm vàng quốc tế lên 2.194 USD/ounce - cao nhất lịch sử và là phiên thứ 4 liên tiếp kim loại quý lập đỉnh mới. Tính từ đầu tuần, giá đã tăng hơn 3%, cũng là tuần tăng mạnh nhất của vàng từ giữa tháng 10/2023.

Khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng miếng SJC trong nước là hơn 15 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn đã kéo dài khoảng cách lên tới 6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bỗng tăng vọt sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp đi lên và tăng trưởng lương chậm lại dù hoạt động tạo việc làm mới vẫn sôi động. Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures sau đó nhận định đây là các yếu tố có lợi cho vàng do các số liệu này gây sức ép lên USD và củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.

Trước đó, giá vàng thế giới bắt đầu chuỗi tăng giá kỷ lục từ đầu tuần, trước các dấu hiệu cho thấy việc giảm lãi suất có thể xảy ra và sức ép lạm phát đã giảm. Trong 2 buổi điều trần trước Hạ viện và Thượng viện Mỹ tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đều đưa ra các phát biểu ám chỉ khả năng giảm lãi.

James Steel - nhà phân tích kim loại quý tại HSBC - cho biết rủi ro địa chính trị cũng góp phần kéo giá vàng lên cao. Từ khi xung đột Israel-Hamas diễn ra hồi tháng 10/2023, giá vàng đã tăng hơn 300 USD/ounce.

Tính tới cuối năm 2023, Hội đồng vàng thế giới (WGC) ước tính tổng khối lượng vàng được giao dịch trên toàn cầu đạt 4.899 tấn. Trong đó, lượng mua từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn (giai đoạn 2022-2023). Đây là năm thứ 2 liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.

Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng trên 2.000 USD/ounce vài tháng qua.