Hà Tĩnh:

Nhung hươu Hương Sơn được tạo lập chỉ dẫn địa lý

(Dân trí) - Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa cấp chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu cho nhung hươu Hương Sơn, nâng cao giá trị khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Sở KH&CN Hà Tĩnh vừa phối hợp với UBND huyện Hương Sơn tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn.

Hươu và nhung hươu Hương Sơn là đặc sản nổi tiếng cả nước mà không vùng nào có được, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009 và được Bộ KHCN, Cục Sở Hữu trí tuệ và UBND Tỉnh Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn.

huou.jpg

Hươu và nhung hươu ở Hương Sơn.

Hươu Hương Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên phạm vi 30 xã và hai thị trấn Tây Sơn và phố Châu thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Cùng với tạo lập chỉ dẫn địa lý, tỉnh Hà Tĩnh đồng thời xây dựng công cụ quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý, để ngay sau khi sản phẩm được bảo hộ, các bộ máy, công cụ quản lý đã sẵn sàng đi vào hoạt động.

Nhung hươu Hương Sơn là đặc sản quý của Hà Tĩnh từ nhiều năm nay. Hươu sao trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hương Sơn. Hiện Tại, tổng đàn hươu Hương Sơn có khoảng gần 36000 con, sản lượng 15 tấn/năm. UBND huyện Hương Sơn đang có kế hoạch mở rộng, tăng số hộ nuôi và phát triển quy mô nuôi.

Dự án đã đưa vào sử dụng tem nhãn tem truy xuất nguồn gốc, túi đựng sản phẩm... đã được xây dựng, sử dụng thử nghiệm. Các biện pháp này nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, phát triển, quảng bá sản phẩm và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2.jpg

Tổng đàn hươu Hương Sơn có khoảng gần 36000 con, sản lượng 15 tấn/năm.

Việc phát triển chỉ dẫn địa lý cũng như sử dụng hiệu quả thì bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của người nông dân, chính sách khoa học kỹ thuật thì cần có chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhung hươu Hương Sơn là chỉ dẫn địa lý thứ 2 được cấp sau bưởi Phúc Trạch, và cũng là chỉ dẫn địa lý thứ 72 của Việt Nam.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho hay, chính quyền ở đây muốn đưa hươu sao trở thành vật nuôi chủ lực thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi mở rộng đàn giúp xóa đói  giảm nghèo cho người dân, nhằm quảng bá hình ảnh Hương Sơn tới bạn bè.

“Chúng tôi xin tiếp thu đầy đủ mọi chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Hương Sơn sẽ có chính sách hướng dẫn các phòng ban cũng như sự giúp đỡ của các sở ban ngành để phát triển chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn” – ông Hưng nói.

Tiến Hiệp

banner_chan-bai.gif