Những hàng hóa có tốc độ sinh lời...nhanh hơn vàng!
(Dân trí) - Với xu hướng tăng giá khá bền vững, vàng được chọn là nơi "trú ẩn an toàn" trong khủng hoảng. Nhưng sự thật, trong 2 thập kỷ qua, quặng sắt mới là hàng hóa sinh lợi nhất, gấp 3 lần vàng, tiếp đến là bạc, dầu thô, xăng, chì.
Trong khi giá vàng đang có xu hướng thoái trào thì giá sắt, dầu thô, xăng, chì lại tăng.
Giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế, một bộ phận người có tiền dư thừa trong xã hội thường phải lúng túng trước những sự lựa chọn về các kênh bảo toàn vốn.
Từ cổ chí kim, không chỉ là thói quen của người phương Đông mà phần lớn những người nắm giữ tài sản trên thế giới vẫn biết đến vàng như một kênh đầu tư phổ biến nhất.
Thế nhưng, có một thực tế, vàng lại không phải là hàng hóa sinh lời nhất!
5 loại hàng hóa có tốc độ sinh lời nhanh hơn vàng
Theo thống kê của Dân trí, có ít nhất 5 loại hàng hóa có tốc độ sinh lời nhanh hơn vàng trong 2 thập kỷ qua.
Dẫn đầu là quặng sắt.
Tốc độ sinh lời của quặng sắt sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi từ năm 1993 tới nay, giá mặt hàng này đã tăng 1.129,25% (tăng 2.358,5% theo VND, tức gần 25 lần).
Đáng chú ý là trong hơn 10 năm liên tục, đến đầu năm 2004, giá sắt liên tục duy trì mức thấp và gần như không hề có biến động. Sau đó, tăng khá mạnh đến năm 2009, bùng nổ chóng mặt đến 2011. Đây cũng là giai đoạn tăng giá mạnh nhất của sắt, biên độ tăng trong 2 năm này lên tới 213,11%.
Từ tháng 2/2011 đến cuối quý III năm 2012, giá sắt thoái trào, mất gần 47% song đang trong xu hướng phục hồi trở lại, nhanh chóng lấy lại gần hết mức đánh mất của gần 2 năm trước đó với biên độ đạt 55,46%. Nhìn chung, mặt hàng này vẫn trong đà tăng giá.
Tiếp đến là bạc – cũng trong nhóm kim loại.
Tính theo USD, mức tăng của bạc lên tới 732,29%. Cùng với sự trượt giá của tiền đồng, biên độ tăng của bạc sau 20 năm đạt 1.564,59%.
Tương tự như sắt, bạc có giá ổn định đến đầu năm 2004, tăng giá mạnh đến tháng 3/2008, mức tăng giai đoạn này là 426,89%, rất ấn tượng! Thế nhưng đó chưa phải là giai đoạn hoàng kim của bạc.
Từ đầu 2008 đến quý IV/2008, giá bạc mất 48,6% khi nước Mỹ lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính do vỡ bong bóng nhà đất.
Giá mặt hàng này chỉ chững lại một thời gian ngắn rồi tăng vọt ngay sau đó, một mạch thẳng đứng đến tháng 4/2011, giữa lúc khủng hoảng Mỹ lan rộng ra quy mô toàn cầu - biên độ tăng giá bạc giai đoạn này lên tới 333,73%.
Có một điều mà nhà đầu sẽ phải cân nhắc, đó là giá bạc đang nằm trong xu hướng giảm. So với mức đỉnh, giá bạc ở thời điểm tháng 2/2013 đã mất 29,2%.
Một loại hàng hóa khác, nghiễm nhiên phải trong nhóm sinh lời nhất là dầu thô – do tính hữu dụng của mặt hàng này cũng như nguồn lực có hạn của nó. Và bởi vậy, dầu thô gắn với quyền lực.
Giá dầu thô 20 năm qua tăng 490,57%, gấp gần 6 lần theo USD và tăng 1.081,13% hay gần 12 lần theo VND. Giá dầu đạt đỉnh vào tháng 7/2008 tại mức 132,55 USD/thùng, tăng 627,1% sau 15 năm. Từ tháng 7-12/2008, chỉ trong 5 tháng, giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, mất 69%.
Tuy nhiên, từ tháng 2/2009 đến nay, giá dầu vẫn tăng đều, mức tăng đạt 159,23%.
Nếu đã ưa thích dầu thì nhà đầu tư cũng không có lý do để từ chối một mặt hàng tương tự là xăng. Biên độ tăng của giá xăng sau 20 năm khá hấp dẫn 483,75% theo giá USD (1.073,1% theo VND).
Mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6/2008 tại mức giá 3,29 USD/thùng, tăng 532,7% so tháng 2/1993 rồi giảm sâu đến tháng 12/2008, mất 70,82% so mức đỉnh.
Thời gian giá xăng phục hồi từ 2011 đến nay, đã 3 lần suýt phá mốc kỷ lục của năm 2008: Một lần vào tháng 4/2011 (giá 3,18 USD/thùng), một lần vào tháng 4/2012, giá lúc đó là 3,21 USD/thùng và lần thứ 3 là tháng 9/2012 với mức giá bình quân 3.27 USD/thùng.
Hiện tại, giá xăng vẫn đang trong xu hướng tăng, lên 3,05 USD/thùng, tăng 11,72% so tháng 11 năm ngoái.
Mặt hàng thứ 5 có tốc độ tăng giá hơn vàng sau 2 thập kỷ, theo thống kê sơ bộ của Dân trí đến thời điểm hiện tại là Chì. Biên độ tăng của kim loại này tính ở thời điểm tháng 2/2013 so tháng 2/1993 là 470,07% (tương ứng 1.040,14% theo VND).
Thế nhưng mức giá 2,37 nghìn USD/tấn hiện nay của chì đã giảm 36,3% so thời điểm hoàng kim là tháng 10/2007. Ở thời điểm đó, giá chì đã tăng 796,4% so với tháng 2/2003.
Xu hướng hiện tại của chì là tăng giá, mức tăng so với tháng 6/2012 là 28,1%.
Đơn vị: % (Nguồn: WB, Indexmundi/Dân trí).
Vàng
Theo số liệu mà Dân trí có được thì trong vòng 20 năm qua, tính theo USD, giá vàng đã tăng gần 5 lần và mức tăng đạt gần 10 lần theo tỷ giá quy đổi ra VND ứng với từng thời điểm so sánh.
Cụ thể, nếu tại thời điểm tháng 2/1993, giá vàng bình quân đạt mức 329,31 USD/oz (tương đương với hơn 3,4 triệu đồng lúc bấy giờ) thì đến tháng 2 năm nay, giá vàng bình quân đã ở mức 1.627,57 USD/oz (tương ứng gần 33,9 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).
Rõ ràng, mức sinh lời này là vô cùng hấp dẫn cho những nhà đầu tư dài hạn, tuy rằng không phải thời điểm nào người ta cũng có thể hoàn toàn an tâm đứng trên khối tài sản của mình mà không phải thấy “bay hơi” đi ít nhiều.
Chẳng hạn như, trong vòng gần 4 năm liền từ 1993-1996, giá vàng khá ổn định, không tăng, không giảm đột biến, nhưng bắt đầu đến giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á (1996-1997), giá vàng đã lao dốc thảm hại và chạm đáy vào giữa năm 1999 trước khi “nằm sàn” lần nữa vào 2001.
Một số người nản chí và rời bỏ cuộc chơi khi bắt đầu bước sang giai đoạn từ 2002 sẽ phải ngậm ngùi nuối tiếc bởi mặt hàng này bất ngờ lên giá liên tục trong vòng 6 năm với mức tăng đạt 271,8%. Gián đoạn năm 2008-2009, giá vàng thời kỳ này có giảm 21,43% song ngay sau đó bật tăng mạnh cho đến 2011, biên độ tăng hơn 132,6% (gấp 2,33 lần).
Từ đó tới nay, giá vàng lình xình, xu hướng thoái trào lại trở lại, niềm tin trên thị trường này sụt giảm và có vẻ như những ở thời điểm kinh tế suy thoái, việc cầm giữ vàng lại trở nên bất lợi.
Như vậy, trong khi giá vàng và bạc đang thoái trào thì xu hướng giá hiện tại của sắt, dầu thô, xăng và chì vẫn đang tăng.
Những hàng hóa khác
Ngoài ra, trong 20 năm qua, nếu mạnh tay đầu tư vào những loại hàng hóa khác như ure, bột cá, len thô, cao su, đồng, thiếc và uranium, nhà đầu tư cũng sẽ không phải thất vọng.
Mức sinh lời của ure lên tới 387%, của bột cá là 343,6%, của uranium là gần 330%, của thiếc là 318%, của len thô gần 300%, cao su 256% và đồng 264,4%.
(*)Dữ liệu thông qua tổng hợp thống kê từ nhiều nguồn bao gồm World Bank; US Energy Information Administration…
Bích Diệp