TPHCM:

Những dịch vụ “chặt chém” dịp đầu năm

(Dân trí) - Lợi dụng những ngày đầu năm, nhiều dịch vụ tại TP.HCM đã thả cửa “chặt chém” khách du lịch và người dân đi chơi dịp Tết.

Nhiều bãi giữ xe tự phát mọc lên thỏa mái chặt chém người gửi
Nhiều bãi giữ xe tự phát mọc lên thỏa mái "chặt chém" người gửi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Đi “tiên phong” cho việc “chặt chém” là dịch vụ bãi trông giữ xe tự phát quanh các khu vực những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vĩnh Nghiêm, Đại Giác, Hoàng Pháp... Ngày bình thường những điểm giữ xe tại đây chỉ thu 5.000 đồng/ lượt xe máy, 20.000 đồng/ lượt xe ô tô 4 chỗ nhưng những ngày tết Ất Mùi giá tăng lên 20.000, 30.000 đồng/lượt xe máy và 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Đây không phải lần đầu tiên dịch vụ trông giữ xe tự phát tại các cửa Chùa tăng giá đột biến nhưng do nhu cầu cần thiết nên nhiều người dân đành “ngậm bò hòn làm ngọt”.

Chị Như (ngụ quận 3) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi một điểm giữ xe tại chùa Vĩnh Nghiêm thu đến 30.000 đồng/ lượt xe máy. Những ngày rằm, lễ Vu Lan tôi cũng thường đi lễ chùa tại đây nhưng cùng lắm cũng chỉ lên tới 10.000 hoặc 15.000 đồng/lượt là cùng. Tôi có trao đổi về chuyện ép giá với người trông giữ xe thì họ kêu cả năm mới có ngày tết nên họ phải thu thêm. Nghĩ họ cũng là những người lao động theo thời vụ và những ngày tết tôi không muốn đôi co nên bỏ qua cho xong chuyện”.

Cùng với dịch vụ trông giữ xe, việc tăng giá của nhiều quăn ăn cũng khiến nhiều người bất ngờ. Tại một quán bánh cuốn trên đường Hoàng Văn Thụ ngày bình thường có giá 20.000 đồng/ đĩa thì bỗng dưng tăng giá lên 30.000 đồng với lý do thuê người giúp việc những ngày tết cao hơn.
 
Một quán phở trên đường Phan Xích Long có giá niêm yết là 20.000 đồng/tô nhưng những ngày tết cũng tăng lên 35.000 đồng/tô do quanh khu vực rất ít quán ăn mở cửa trong suốt cả dịp tết. Khảo sát trên những con đường nổi tiếng về ăn uống như Phan Xích Long, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Hồng Đào, Hoàng Sa, Trường Sa… gần như chỉ lác đác vài quán ăn mở cửa nên các chủ quán tự ý tăng giá để ép khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều khách sạn, nhà nghỉ cũng được dịp tăng giá “vô tội vạ”. Ghi nhận tại nhiều khách sạn ở khu vực quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, dịch vụ kinh doanh khách sạn cũng tăng 10 – 30% trong những ngày giáp tết. “Tôi ở tại một khách sạn trên đường Cây Trâm rất nhiều lần, bình thường giá thuê phòng là 250.000 đồng/ngày nhưng từ ngày 30 tết đến nay giá tăng lên là 350.000 đồng/ ngày. Những ngày đầu năm nên tôi cũng bỏ qua mà không muốn đôi co vì sợ xui cho cả năm”.

Không chỉ những dịch vụ trên đột nhiên tăng giá, nhiều dịch vụ khác như trái cây, rau củ quả, thịt, cá ở những khu chợ dân sinh cũng tăng giá nhẹ vì ngày Tết hầu hết các quán xá đều đã đóng cửa nên người dân không còn sự lựa chọn nào khác.

Xuân Hinh – Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”