Những dấu hỏi về tận dụng FTA: Không thể “bày cỗ” cho đại gia ngoại xơi!
(Dân trí) - Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không tận dụng tốt thì sẽ là nỗi lo “bày cỗ” cho doanh nghiệp nước ngoài “xơi”.
Tận dụng tốt các FTA, thúc đẩy kinh tế
Đại dịch Covid-19 đang khiến kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế được đưa ra.
Một trong những “cứu cánh” của nền kinh tế được các chuyên gia đề cập tới đó việc tiếp tục tận dụng thật hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu, phục hồi sản xuất trong nước.
Mới đây với việc EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 nâng tổng số FTA Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 17. Trong số đó, EVFTA là một trong những hiệp định thế hệ mới nhận được rất nhiều kỳ vọng.
Các chuyên gia đều cho rằng, lợi ích mà FTA mang lại là không phủ nhận như mở rộng thị trường xuất khẩu nhập, thúc đẩy sản xuất trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt thì sẽ lại là câu chuyện “bày cỗ” cho doanh nghiệp nước ngoài “xơi”.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ hội từ các FTA, trong đó có EVFTA là rất lớn nếu chúng ta biết khai thác một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, cơ hội luôn song hành với thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.
Quả thực, vấn đề tận dụng cơ hội từ FTA mang lại thời gian qua vẫn là điều đáng bàn. “Nhiều doanh nghiệp chưa biết gì về EVFTA”, “Doanh nghiệp thờ ơ với FTA"... là những thông tin được đưa rất nhiều trên các báo thời gian qua.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng cần có một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về đánh giá toàn diện về các FTA.
FTA không phải là “cây đũa thần". Chuyên gia Lê Duy Bình nhấn mạnh, ký nhiều FTA mà tận dụng không tốt sẽ khiến doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh trực tiếp, mất thị trường hoặc bị FDI chèn ép.
Tận dụng chưa được như kỳ vọng, vấn đề “cốt tử” nằm ở đâu?
Một cuộc làm việc giữa VCCI với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA vừa diễn ra tại Hà Nội. Cuộc làm việc “mổ xẻ", đánh giá về tác động, cả tích cực và tiêu cực của các FTA với Việt Nam.
Trong tài liệu báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện phía VCCI cho biết về kết quả khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam (trong khuôn khổ Điều tra PCI) công bố năm 2019. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức khá hạn chế về các FTA mặc dù hầu hết đều đã “nghe nói” tới các FTA này.
Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là AEC cũng chỉ là 37%.
Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là với AEC (3%).
Cũng theo khảo sát của VCCI, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, hội nhập FTA nói riêng.
Cụ thể, ngoại trừ các vấn đề về cải thiện điều kiện lao động - có 58% cho biết có thể dễ dàng (hoặc rất dễ dàng) đáp ứng các yêu cầu này), ở tất cả các khía cạnh được khảo sát (đầu tư cho nhân lực, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu môi trường, yêu cầu nội địa hóa…), tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng khó hoặc rất khó để đáp ứng các yêu cầu này đều chiếm đa số (54-62%).
Theo Điều tra của VCCI với 250 phản hồi của doanh nghiệp trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố 4/2016, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan Nhà nước.
Dưới góc độ một doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm trong việc tận dụng các FTA, ông Vũ Thành Sơn - Tổng giám đốc Hapro nói với PV Dân trí: Các FTA được coi là một trong các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tận dụng còn khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phát huy được ích lợi của các FTA này.
Hạn chế này theo ông Sơn, đến từ hai phía: Thứ nhất, đó là các doanh nghiệp còn thiếu sự tuyên truyền, phổ biến thông tin từ các cơ quan hữu quan, bộ ngành chủ quản thông qua nhiều hình thức về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai theo Tổng giám đốc Hapro, hạn chế đến từ chính các Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu kỹ hoặc chưa thật sự quan tâm đến các hiệp định FTA, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tận dụng các ưu đãi mà các hiệp định này đem lại.
Hướng triển khai FTA mới sẽ ra sao?
Như đã đề cập ở phần đầu, EVFTA là một trong những hiệp định được nhiều kỳ vọng, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Với hiệp định EVFTA, ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt kế hoạch thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó, một số nút thắt trước đây khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn trong việc thực hiện các FTA được "gỡ".
Trước đây theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, việc triển khai các FTA, thông tin nhiều, tràn ngập, hội thảo, hội nghị cũng nhiều nhưng các cuộc sát hơn với từng ngành hàng thì vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, doanh nghiệp thiếu đầu mối giải thích các vấn đề.
Tuy nhiên, trong kế hoạch thực thi EVFTA vừa được ban hành, ông Lộc cho biết, Thủ tướng đã giao đích danh Bộ Công Thương làm cơ quan đầu mối, làm nhạc trưởng điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai hiệu quả các cam kết.
“Giờ có vướng mắc gì doanh nghiệp cứ hỏi Bộ Công Thương, tôi mong rằng thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI để làm tốt việc tận dụng EVFTA", ông Lộc nhấn mạnh.
Trong các nhiệm vụ để thực thi kế hoạch EVFTA, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh làm sao triển khai đi vào cuộc sống. Theo đó, “chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10”, đặc biệt cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Một số cấp quản lý, chính quyền cũng nhận ra đã đến lúc phải thay đổi về tư duy trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Khi đưa ra kế hoạch thực hiện hiệp định EVFTA, một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, bài học kinh nghiệm của thành phố là không dàn trải, chỉ tập trung vào các vấn đề doanh nghiệp cần. Chúng ta cần lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung và cách thức tập huấn truyền thống.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, trong thời gian chúng ta đã làm khá mạnh, quyết liệt và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm tốt hơn và kết quả thu được có thể tích cực hơn nữa để làm sao các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.
Ông Tuấn Anh đã nhấn mạnh đến yêu cầu "thay đổi tư duy" trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm tận dụng hiệu quả các FTA.