Những đại gia nào đang đầu tư "miếng bánh" Thủ Thiêm?

Thất lạc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm có khiến việc đầu tư của Lotte, Sunshine, Phát Đạt, Hongkong Land, Quốc Lộc Phát... tại đây bị ảnh hưởng?

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, với tổng diện tích 657 héc ta.

Đây là khu vực được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TPHCM, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.

Theo quy hoạch 1/2000 được duyệt, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm Khu vực “lõi trung tâm” chính, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, Khu dân cư phía Đông, Khu châu thổ phía Nam.

Để “giấc mơ” Thủ Thiêm thành siêu đô thị, sánh ngang với Singapore, Thái Lan…chính quyền TPHCM phải mất hơn 10 năm để giải tỏa trắng bán đảo này với khoảng 15.000 hộ dân gần 30.000 tỷ đồng để bồi thường, tái định cư.

Hiện có các nhà đầu tư lớn vào siêu đô thị này gồm Đại Quang Minh, Lotte, Sunshine, Phát Đạt, Hongkong Land, Quốc Lộc Phát...


Phối cảnh KĐT mới Thủ Thiêm.

Phối cảnh KĐT mới Thủ Thiêm.

Đầu tháng 9/2017, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty CP Quốc Lộc Phát đầu tư dự án phát triển Khu phức hợp Sóng Việt tại khu chức năng số 1 – KĐT mới Thủ Thiêm.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.300 tỷ đồng, diện tích khoảng 75.965 m2, gồm 4 lô đất cạnh sông Sài Gòn.

Khu phức hợp Sóng Việt sẽ trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ và nhà ở có đủ các tiện nghi về hạ tầng đô thị hoàn chỉnh và các dịch vụ liên quan; sẽ có trung tâm thương mại tiêu chuẩn quốc tế…

Trước đó, TP.HCM yêu cầu nhà đầu tư được chỉ định thực hiện dự án này phải cam kết ký quỹ 100 tỷ đồng và nộp tiền sử dụng đất khoảng 2.000 tỷ đồng cho 4 lô đất nói trên. Quốc Lộc Phát đã đáp ứng yêu cầu này. Công ty bắt đầu triển khai kinh doanh từ năm 2014, vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng.

Thành viên sáng lập gồm một tổ chức và ba cá nhân, trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng (có 60 triệu cổ phần, trị giá tương ứng 600 tỷ đồng, chiếm 40% tổng vốn điều lệ); đứng thứ hai là ông Phạm Quang Hưng (giữ 45 triệu cổ phần, tương đương 450 tỷ đồng, chiếm 30%).

Dự án tiêu biểu nhất tại khu đất Thủ Thiêm có lẽ phải kể đến khu phức hợp thông minh - Eco Smart City của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) trị giá 1 tỷ USD. Năm 2015, Lotte đã ký với UBND TP.HCM hợp đồng quỹ đất trị giá 2.000 tỷ đồng tại khu vực Thủ thiêm.

Theo kế hoạch, Lotte sẽ triển khai đầu tư xây dựng "siêu" dự án tỷ đô này trong vòng khoảng 72 tháng, khai thác trong 50 năm với tổng vốn đầu tư (không gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 20.100 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ do nhà đầu tư thu xếp.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã chứng khoán: CII) đã được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.

Đổi lại, CII sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt (Mã chứng khoán: PDR) cũng đã được UBND Thành phố cho phép nghiên cứu đề án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị Thủ Thiêm và đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.

Trong đó, Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 của Phát Đạt khoảng 5.253,94 tỷ đồng. Theo UBND TP.HCM, về quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ gồm 16 lô nhà đất "vàng" trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố.

Theo Nguyên Hưng
Đất Việt

Những đại gia nào đang đầu tư "miếng bánh" Thủ Thiêm? - 2