Những cái chết… bất ngờ

Khi kinh tế khó khăn, các yếu kém trong điều hành, quản lý của DN vốn được sự thịnh vượng ở giai đoạn trước che lấp bắt đầu bộc phát.

Khi khủng hoảng trong DN xảy ra, nhân sự trong DN không chỉ dừng ở nỗi lo mất việc, mà còn có thể bất ngờ đứng trước vành móng ngựa.

Không hình dung hết những rủi ro pháp lý, nhiều nhân sự đã nhận hậu quả là việc phải ngồi tù
Không hình dung hết những rủi ro pháp lý, nhiều nhân sự đã nhận hậu quả là việc phải ngồi tù

Từ rủi ro pháp lý với nhân viên

Khi tin tức một CEO hay một lãnh đạo cấp cao, thậm chí một cá nhân nào đó bị bắt giam loang ra, dư luận có xu hướng nhìn nhận cá nhân đó như là “tội đồ” phải chịu trách nhiệm về mọi đổ vỡ trong DN. Liệu có thực sự như vậy và liệu những nhân sự đó có thể ngăn chặn mọi rủi ro pháp lý phát sinh từ phía nhân viên dưới quyền?

Không thể phủ nhận, nhiều nhân sự làm việc tại cơ quan, pháp nhân rất thiếu ý thức về rủi ro pháp lý. Đơn cử trong vụ án làm giả tài liệu, con dấu xảy ra tại CTCP Dược Viễn Đông (DVD) được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử gần đây, nhân viên kỹ thuật Hoa Triệu Long được Trưởng ban Kiểm soát Nguyễn Thị Chinh chỉ đạo scan con dấu và chữ ký của Giám đốc CTCP Liên doanh LiLi of France (LOF), công ty con do DVD nắm giữ 97% vốn vào hợp đồng vay vốn ngân hàng. Hậu quả là khi vụ việc làm hợp đồng khống để vay vốn ngân hàng bị phát giác, Long đã bị cơ quan công tố truy tố vì đã tham gia vào hành vi giả mạo chữ ký, con dấu của pháp nhân.

Cũng trong vụ án này, nhân viên kế toán Hoàng Thị Nhung đã khai trước tòa rằng Nhung chuyên ký thay cho Giám đốc Công ty, bởi từ khi vào làm việc tại Công ty, Nhung chưa từng nhìn thấy vị giám đốc này. Thực chất, giám đốc công ty chỉ là người đứng tên đại diện pháp luật trên Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, việc điều hành do người khác thực hiện và Nhung được lệnh ký thay vào các công văn, giấy tờ, hợp đồng. Cũng bởi việc ký thay này Nhung đã bị truy tố trước pháp luật.

Một trường hợp khác, nhân viên kế toán Đoàn Thị Thảo đã bị lĩnh án 6 năm tù giam khi mới 25 tuổi với tội danh làm giả chữ ký của chủ tài khoản công ty. Lý do việc ký giả là do Giám đốc và Phó giám đốc tài chính thường xuyên không có mặt tại Công ty, nhưng hoạt động kinh doanh thường xuyên phát sinh các khoản thu chi nên bị cáo thường nhận lệnh miệng từ giám đốc công ty và “ký thay” vào các tờ séc. Khi nội bộ lãnh đạo doanh nghiệp “cơm không lành, canh không ngọt”, Thảo đã bị điều tra và trước tòa, những người đã ủy quyền cho bị cáo phủ nhận việc ủy quyền miệng. Không có bằng chứng về việc ủy quyền ký thay và dù không có mục đích tư lợi, nhưng Thảo vẫn phải chịu án tù giam.

Trên thực tế, trong khi làm việc cho các pháp nhân, nhiều nhân viên thực sự không hình dung hết rủi ro pháp lý có thể xảy ra khi phát sinh tranh chấp hoặc e ngại sẽ bị trù dập, bị mất việc khi từ chối thực hiện chỉ thị của lãnh đạo. Bởi vậy, không ít trường hợp, hậu quả của việc “nhắm mắt đưa chân” là phải ngồi tù.

Đến “cạm bẫy” pháp lý với CEO

Các CEO cũng không thoát khỏi những “cạm bẫy” pháp lý thường trực. Hồi đầu năm nay, một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại một ngân hàng TMCP hàng đầu được đưa ra xét xử. Giám đốc một chi nhánh của ngân hàng này đã bị cáo buộc tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi ký vào hồ sơ vay vốn của DN.

Theo phân cấp của ngân hàng thì vị giám đốc này chỉ có thẩm quyền quyết định đối với các khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống, trong khi hợp đồng tín dụng với một DN có hạn mức lên tới 24 triệu USD. Việc phê duyệt những hợp đồng này thuộc thẩm quyền của Trung tâm Hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng và sau đó giải ngân qua chi nhánh, giám đốc chi nhánh chỉ thực hiện việc ký hợp đồng và giải ngân, mà không tham gia vào các khâu kiểm soát khác trong quá trình cấp tín dụng. Tuy nhiên, do là người đứng tên trên hợp đồng tín dụng, cơ quan tố tụng vẫn cáo buộc trách nhiệm đối với giám đốc chi nhánh ngân hàng này.

Cũng trong vụ án làm giả tài liệu, con dấu liên quan tới DVD, Tổng giám đốc Công ty LOF Đào Xuân Hưởng đã bị cáo buộc vì hành vi ký vào hợp đồng mua bán khống trong hồ sơ vay vốn để được ngân hàng giải ngân 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định về quản trị LOF thì Tổng giám đốc chỉ được quyền ký kết và quyết định đối với các hợp đồng có giá trị dưới 500.000 USD. Với các hợp đồng từ 500.000 USD trở lên đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT LOF. Trong trường hợp này, hợp đồng do Chủ tịch HĐQT quyết định, Tổng giám đốc ký. Để kiểm soát tránh việc Tổng giám đốc vượt quyền, con dấu được giao cho Chủ tịch HĐQT quản lý.

Theo bị cáo Hưởng, các hợp đồng tuy Hưởng có ký, nhưng hoàn toàn không biết việc làm giả hợp đồng mà chỉ biết là sau khi Chủ tịch HĐQT quyết thì đưa cho Hưởng ký. Cơ quan điều tra xác định Hưởng có biết hành vi làm giả hợp đồng nhưng tại phiên tòa Hưởng khẳng định không biết. Dù vậy, Hưởng đã bị truy tố về tội làm giả tài liệu, con dấu với khung hình phạt 4 – 7 năm tù giam.

Như vậy, ngay cả khi ý thức được rủi ro pháp lý thì các CEO cũng không thể phòng ngừa hoàn toàn. Trong các vụ án nêu trên thì công ty đều có quy trình, quy chế và phân định trách nhiệm ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, trước tòa, các cá nhân bị điều tra rất khó chứng minh sự vô tội của mình bởi không có đủ bằng chứng, các chỉ thị nhận được chỉ là “lệnh miệng” và các cá nhân ra chỉ thị đã phủ nhận trách nhiệm. Chẳng hạn, như ông Hưởng khai, thì trước khi ký đều nhận được thông báo về hợp đồng từ bà Cao Hồng Vân, Kế toán trưởng kiêm Phó Tổng giám đốc tài chính DVD, pháp nhân được quyền chỉ định đầu vào Công ty LOF và sau đó có hỏi lại ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty LOF, người có thẩm quyền quyết định hợp đồng, nhưng bị cáo Vân và Dũng đã không thừa nhận lời khai trên.

Những vụ án được khởi tố, điều tra là bài học kinh nghiệm lớn về trách nhiệm pháp lý cho lãnh đạo cũng như cho nhân viên doanh nghiệp. Việc nâng cấp hệ thống kiểm soát rủi ro, trong đó có phân cấp trách nhiệm trong DN là đòi hỏi rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay, không chỉ giúp DN kiểm soát tốt rủi ro, mà còn giúp bảo vệ nhân sự trong DN không rơi vào những “cạm bẫy” pháp lý.
 
Theo Hoàng Duy
Đầu Tư