Những “bóng hồng” quyền lực trên thương trường Việt
(Dân trí) - Thương trường Việt ngày càng xuất hiện nhiều “bóng hồng” quyền lực. Dù trực tiếp hay gián tiếp tham gia điều hành, họ đã có những đóng góp lớn đem tới sự thành công cho doanh nghiệp mình.
Nhắc đến những nữ tướng quyền lực trên thương trường Việt không thể vắng những tên tuổi như: bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Vinamilk; bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank và Tập đoàn BRG; bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang; bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo… Không chỉ nổi danh trên thương trường Việt mà họ còn được thừa nhận cả trên trường quốc tế.
Trong danh sách 50 lãnh đạo nữ quyền lực nhất châu Á năm 2015, Việt Nam có 2 đại diện và cũng là hai lãnh đạo của hai công ty sữa lớn nhất nước: bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) và bà Thái Hương (TH true Milk).
Bà Mai Kiều Liên (61 tuổi), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo nghiên cứu của Nielsen, sản phẩm của Vinamilk chiếm tới 51% thị phần sữa tại Việt Nam, đang xuất khẩu sản phẩm ra 30 quốc gia và đang cố gắng thâm nhập sâu vào thị trường Trung Đông, châu Phi và Cuba.
Trong năm 2014, doanh thu Vinamilk tăng vọt 14% lên 1,7 tỷ USD với 2 nhà máy sản xuất. Hiệu tại, bà Mai Kiều Liên đang nhắm tới việc đẩy doanh số lên 3 tỷ USD vào năm 2017 và mở rộng thị phần ngoài nước. Tuy nhiên, theo Forbes, hai khó khăn lớn nhất mà bà Liên đang đối mặt là lợi nhuận năm 2014 sụt giảm nhẹ giữa bối cảnh giá nguyên liệu thô - hầu hết là sữa bột nhập khẩu - tăng vọt.
Lần đầu tiên lọt vào danh sách này, bà Thái Hương (57 tuổi) xếp hạng thứ 50. Bà Thái Hương khởi nghiệp kinh doanh từ năm 1994. Bà Hương là người sáng lập và đang là giữ chức vụ Tổng giám đốc của Ngân hàng Bắc Á (BacAbank).
Năm 2009, bà Hương tiếp tục bước chân vào kinh doanh sữa và tuyên bố sẽ thay đổi bản chất ngành công nghiệp này ở Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sản xuất sữa nước.
Kể từ đó, tập đoàn TH đã mạnh tay đầu tư 450 triệu USD nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất sữa tươi sử dụng công nghệ của Israel. Ước tính, TH sở hữu đàn bò 40.000 con, trên diện tích 8.100 hecta và đang có kế hoạch nâng tổng diện tích đất lên 37.000 hecta.
Trong năm 2014, doanh thu ước tính của TH vào khoảng hơn 200 triệu USD, nắm giữ 1/3 thị phần sữa tươi và là đối thủ nặng ký của nhà sản xuất lớn nhất nước sữa Vinamilk.
Nhắc đến nữ quyền trong ngành tài chính - ngân hàng không ai không biết tiếng bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank. Bà Nga đến với lĩnh vực tài chính từ năm 2000 trong vai trò là cổ đông của Techcombank. Đến năm 2002, bà được bầu là phó chủ tịch HĐQT Techcombank và năm 2005 được bầu là chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Nhưng đến năm 2007, bà Nga quyết định rời Techcombank và trở thành Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Dưới thời của bà Nga, SeABank hiện có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng Pháp Societe Generale chiếm 20% cổ phần. Không chỉ ngân hàng, bà Nga còn thành lập Tập đoàn BRG chuyên đầu tư bất động sản, sân golf, khách sạn… với những như sân golf Island Golf Resort Kings, Đồ Sơn Seaside Golf Resort, Đồng Mô, Sóc Sơn…Năm 2013, những hạng mục kinh doanh đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.
Nổi lên từ thương vụ mua lại Navibank (nay là Ngân hàng Quốc dân - NCB) của gia đình ông Đặng Thành Tâm, bà Trần Hải Anh đảm nhiệm vị trí Tổng NCB từ tháng 2/2014. Trước đó, bà là Chánh văn phòng HĐQT kiêm Trưởng văn phòng Hội sở miền Bắc.
Trước khi về NCB vào năm 2013, bà Hải Anh đã có chục năm công tác tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) với cương vị Phó chủ tịch HĐQT.
NCB đang thay đổi sau khi thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và diện mạo mới đang hình thành dưới sự điều hành của bà Hải Anh.
Bà Đặng Thị Ngọc Lan (sinh năm 1972) - người đứng sau sự thành công của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) được công chúng biết đến nhiều qua những phiên xét xử chồng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Đóa” Ngọc Lan của ông Kiên hiện giữ vị trí thứ 10 trong Top 50 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối lượng tài sản lên đến 650 tỷ đồng, với hơn 38,5 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Nếu tính đến ngày 23/2/2015, bà Lan xếp thứ 28 trong Top 200 người giàu nhất sàn chứng Việt.
Còn nếu xét theo Bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt thì hiện vợ của bầu Kiên đang đứng vị trí thứ 10. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, bà Đặng Ngọc Lan cũng "bỏ túi" thêm 26 tỷ đồng nhờ cổ phiếu ACB tăng giá.
Ngoài ra, Tạp chí Forbes cũng vừa công bố Top 10 Nữ doanh nhân tiêu biểu của thế hệ tiếp nối - những doanh nhân nữ đáng chú ý nhất của thế hệ doanh nhân trẻ tiếp tục vượt trội trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam.
Những gương mặt tiêu biểu của một thế hệ nữ doanh nhân kế tiếp được Forbes giới thiệu là những người trẻ tuổi, đang khẳng định được vị thế, vai trò của bản thân cũng như doanh nghiệp mà họ lãnh đạo trên thương trường, hoặc bằng việc gây dựng nên chính doanh nghiệp mình sở hữu, hoặc được thế hệ đi đầu chuyển giao.
Dưới sự lãnh đạo của họ, các doanh nghiệp đã và đang gặt hái thành công và hứa hẹn bứt phá trong thời gian tới.
Các gương mặt trong Top 10 Nữ doanh nhân tiêu biểu của thế hệ tiếp nối của Forbes gồm: bà Lê Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank; bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Bản Việt & Công ty quản lý quỹ Bản Việt, thành viên HĐQT Ngân hàng Bản Việt; bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Chủ tịch kiêm TGĐ IPP Group; bà Trần Nguyễn Thiên Hương - Chủ tịch Công ty Truyền thông Hoa Mặt Trời.
Bên cạnh đó còn có bà Đặng Thị Minh Phương - Chủ tịch Minh Phương Logistics; bà Trần Thị Lệ - TGĐ NutiFood; bà Hoàng Ngọc Vy- TGĐ Viễn thông A; bà Lê Nữ Thuỳ Dương - TGĐ Công ty CP Huy Hoàng; bà Đặng Huỳnh Ức Mi - Cựu Chủ tịch Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh; bà Chu Thị Thanh Hà - Phó TGĐ FPT.
Nguyễn Hiền