Những bị can "đại gia" trong đại án bầu Kiên
Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên, một loạt "đại gia" nguyên là lãnh đạo ngân hàng sừng sỏ, chuyên gia kinh tế kỳ cựu cũng sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.
Trong phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm dự kiến bắt đầu vào ngày mai (16/4) tới, sẽ có 9 bị can tham gia hầu tòa.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Tổng thống Putin tăng lương cho mình và Thủ tướng Mevedev * Lợi nhuận ngân hàng: Giới chủ đã rút kinh nghiệm! |
Trong giai đoạn từ tháng 5/2010 - 11/2011, các bị can này cùng với bầu Kiên đã họp bàn thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào 26 ngân hàng, thu lãi trên 4.000 tỷ đồng.
Việc làm này là trái quy định theo Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011).
Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá
Năm 1989, ông là Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Những năm tiếp theo, ông Giá đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Thứ trưởng Bộ KH-ĐT.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT. Trong giai đoạn này, dấu ấn lớn nhất của ông là góp phần xây dựng và triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999.
Năm 2003, sau khi rời Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ông sang làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải.
Từ cuối năm 2006, sau khi nghỉ hưu, ông Giá quyết định về làm việc cho ACB với vai trò cố vấn Hội đồng quản trị (HĐQT).
Hơn 1 năm sau đó, vào tháng 3/2008, sau đại hội cổ đông, ông Trần Xuân Giá được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB nhiệm kỳ 2008- 2012 dù không có cổ phần lớn. Ông tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập.
Ngày 19/9/2012, ông Trần Xuân Giá từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ACB vì lý do sức khỏe.
Ngày 27/9/2012, ông Trần Xuân Giá bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, trước khi bị bắt giữ cư trú tại TP.HCM.
Với trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp) và Tiến sĩ Toán-Lý - Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus), ông Hải gia nhập ACB năm 1996 với cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng sau đó là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) trong 3 năm từ 2002 - 2005.
Trong giới tài chính, ông Hải được nhiều người đánh giá cao về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi.
18h30 ngày 23/8/2012, ông Lý Xuân Hải bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam.
Trước đó ông Hải đã được ACB chấp thuận đơn từ nhiệm với lý do cá nhân, do phải làm việc với cơ quan điêu tra sau khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt.
Tại Cơ quan CSĐT, các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đều khai rằng: Lý Xuân Hải là người đề xuất phương án ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ngân hàng này đi gửi vào các ngân hàng khác. Phương án này được Nguyễn Đức Kiên đồng ý và chỉ đạo các thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ký biên bản ngày 22/3/2010 thông qua chủ trương.
Lê Vũ Kỳ
Suốt 9 năm sau đó, ông nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn trong nước...
Trong vòng 11 năm, từ 1997 - 2008, ông Kỳ giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB phụ trách mảng công nghệ thông tin.
Ông Lê Vũ Kỳ chính là một trong những gương mặt làm nên mô hình quản trị độc lập tại ACB và là người tạo nền móng cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking) của nhà băng này.
Từ năm 2008, ông Kỳ là Phó chủ tịch HĐQT ACB.
Sau khi bầu Kiên bị bắt giữ, ngày 19/9, ông Lê Vũ Kỳ cũng đã có đơn gửi ban lãnh đạo ACB xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT với "lý do cá nhân".
Ngày 27/9/2012, ông Lê Vũ Kỳ bị khởi tố.
Trịnh Kim Quang
Ông Trịnh Kim Quang là một trong những nhân vật gắn bó với ACB từ những ngày đầu tiên, ông Quang đã đồng hành cùng nhà băng này gần 20 năm.
Giai đoạn từ năm 1998-2007, ông là Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán ACB (ACBS).
Cũng từ 1998 đến ngày 18/9/2012, ông Cang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nằm trong danh sách thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng này đồng thời là Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Tín dụng, Thành viên Ủy ban nhân sự và Thành viên Hội đồng đầu tư.
Ngày 19/9/2012, ông Trịnh Kim Quang cũng có đơn xin từ nhiệm các chức vụ trong Hội đồng quản trị của ACB với lý do cá nhân. Đến ngày 24/9, ông Trịnh Kim Quang cũng thôi giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán ACB.
Ngày 27/9/2012, ông Trịnh Kim Quang bị cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Trong số các"sếp" của Ngân hàng ACB bị cơ quan công an khởi tố, ông Trịnh Kim Quang được xem là người "kín tiếng" và ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất.
Phạm Trung Cang
Ông Phạm Trung Cang sinh năm 1954 tại Long An, cư trú tại TP.HCM, là cử nhân Kinh tế thương nghiệp, trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Trong đại án bầu Kiên, ông Cang là "đại gia" suýt thoát tội do được VKS đình chỉ án vì đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB vào ngày 31/12/2011.
Ngay khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của VKSND Tối cao, Phạm Trung Cang đã lập tức bay sang Mỹ.
Tuy nhiên ngày 10/1/2014, VKSND Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang đồng thời ra quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Phạm Trung Cang. Sau đó, bị can Phạm Trung Cang từ Mỹ về Việt Nam theo lệnh triệu tập của cơ quan điều tra (Bộ Công an).
Cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao nêu rõ, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, có nhiều năm làm công tác quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, nhưng đã tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.