1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Những bất cập trong dự thảo nghị định về ngành ô tô

Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi. Dù có những điểm tiến bộ nhưng bản dự thảo vẫn lộ rõ bất cập trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô và vấn đề triệu hồi xe.


Dự thảo nghị định mới của Bộ Công Thương về ô tô có nhiều bất cập

Dự thảo nghị định mới của Bộ Công Thương về ô tô có nhiều bất cập

Lơ là sở hữu trí tuệ

Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh, nhập khẩu ô tô vừa qua đã nhận được bản Dự thảo này. Như chia sẻ của ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Liên Á Quốc Tế (nhà phân phối của hãng ô tô Audi tại Việt Nam), việc ban hành nghị định sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các DN trong ngành ô tô. Ông cũng bày tỏ sự quan ngại về sở hữu trí tuệ và bản quyền của thương hiệu khi chính sách đưa ra nên đi theo quy luật chung của thị trường thế giới.

Thực tế, nếu nhìn vào vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bản dự thảo Nghị định này chưa quy định quyền sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo của sản phẩm mà mình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối. Nhiều DN kiến nghị quy định này cần có để thể hiện tính công bằng, minh bạch đối với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại song phương, đa phương.

Ông Trần Tấn Trung lưu ý: Khi DN chúng tôi nhận hợp đồng với một nhà sản xuất xe ô tô tức là được uỷ quyền sử dụng một thương hiệu, logo cũng như các phần mềm của đối tác đó. Nhưng, phải thừa nhận rằng trên thị trường Việt Nam thì việc treo logo, quảng bá thương hiệu, thậm chí trên website còn rất tràn lan và thiếu kiểm soát. Với DN của chúng tôi cũng không kiểm soát được việc này nếu như không có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.

Theo giới chuyên gia, hiện nay xe ô tô không phải chỉ phương tiện có động cơ, máy móc mà còn có rất nhiều trang thiết bị điện tử trong đó. Xe ô tô bây giờ để sửa chữa không phải chỉ có các đồ nghề như ngày trước mà còn phải có các phần mềm, phải có quy tắc triệu hồi, các dịch vụ cho khách hàng, bảo dưỡng...Chẳng hạn như phần mềm hay vấn đề triệu hồi đều phải thông qua thông báo chính thức từ nhà sản xuất. Không một ai có thể có được bản quyền này nếu như không được sự uỷ quyền của nhà sản xuất.

Trong khi đó, việc vi phạm về sở hữu trí tuệ trong ngành ô tô vẫn đang diễn ra rất tràn lan. Vì vậy, nhiều DN kiến nghị trong nghị định về các điều kiện sản xuất và nhập khẩu ô tô cần nhấn mạnh đến vấn đề sở hữu trí tuệ, nhất là bản quyền thương hiệu, logo cũng như các phần mềm cũng như các bản quyền hình ảnh thương hiệu khác...nhằm hỗ trợ các DN có một thị trường ô tô cạnh tranh lành mạnh.

Nhất là cần xác định rõ quyền sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo sản phẩm của nhà sản xuất mà DNp nhập khẩu ô tô đang phân phối. Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của DN phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Ngoài ra, điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô (điều 16) của dự thảo nghị định cũng còn những điểm lấn cấn. Đó là số lượng cơ sở bảo hành bảo dưỡng chưa đủ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng (theo dự thảo hiện tại, chỉ yêu cầu đơn vị kinh doanh chỉ sở hữu tối thiểu 1 cơ sở).

Nhiều DN trong ngành ô tô cho rằng quy định về thời gian sở hữu cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đến 2020 là không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, bản dự thảo cũng chưa có quy định về hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chuẩn đoán, thiết bị sửa chữa chuyên nghiệp.

Phản ánh trên báo dân trí người tiêu dùng cho rằng để mua xe đã phải bỏ ra cả đống tiền thì cũng mong có được dịch vụ chăm sóc tốt chính hãng. Trong khi thực tế có nhiều trường hợp thuê gara rồi bảo hành không tới đâu, mặc dù kinh doanh ô tô không chỉ là bán xe không mà còn phải bán cả dịch vụ nữa thì giá xe mới cao như vậy!

Do đó, trong nghị định này, các cơ quan quản lý nên nêu rõ yêu cầu các đơn vị kinh doanh ô tô phải có trung tâm bảo hành. Như vậy mới đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Thực ra, cái lý của các DN nhỏ trong ngành ô tô là nếu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thì chi phí sẽ cao lên. Nhưng phải hiểu rằng, nếu không có cơ sở bảo hành thì người mua sẽ lãnh đủ hoặc DN lớn sẽ đẻ ra những DN nhỏ để lách luật và kết cục người tiêu dùng sẽ chịu hậu quả ?

Ai chịu trách nhiệm bảo hành, triệu hồi xe ?

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng nói rằng dịch vụ bảo hành và hậu mãi đòi hỏi điều kiện đầy đủ, chứ không phải chỉ nhập khẩu ô tô xong rồi thả nổi. Hiện nay, qua tham khảo bản dự thảo nghị định này, nhiều người tiêu dùng đã yêu cầu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi xe khi phát sinh lỗi từ nhà sản xuất…Như thế sẽ có ý nghĩa hơn là giảm giá xe ô tô.

Người tiêu dùng bày tỏ đây là điều bắt buộc, chứ không thể nhập khẩu vu vơ ô tô về Việt Nam rồi bán sang tay xong thì sống chết mặc người tiêu dùng. Hơn nữa, nghị định nên ghi rõ phải có cơ sở thu hồi bảo lãnh như các DN nước ngoài thì mới cho nhập xe để tránh trường hợp chối bỏ trách nhiệm khi xe có hỏng hóc.

Mặt khác, nhiều DN trong ngành ô tô cũng kiến nghị việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô do DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được thực hiện bởi các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của DN hoặc thuộc hệ thống đại lý phân phối được ủy quyền bởi DN phải phù hợp với chủng loại ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này.


Dự thảo nghị định mới vẫn lộ rõ bất cập trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô và vấn đề triệu hồi xe.

Dự thảo nghị định mới vẫn lộ rõ bất cập trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô và vấn đề triệu hồi xe.

Đồng thời, nên quy định việc cần có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại địa phương nơi DN phân phối sản phẩm và khoảng cách giữa các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng so với địa điểm phân phối phải đảm bảo tối đa không quá 100 km. Trong trường hợp các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, các công ty con thuộc công ty mẹ có thể sử dụng chung cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Việc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chẩn đoán, thiết bị sửa chữa chuyên dùng và bảo đảm cung cấp các linh kiện, phụ tùng thay thế đúng chất lượng kỹ thuật của xe nhập khẩu.

Về vấn đề triệu hồi xe, nếu theo dự thảo Nghị định, nhà nhập khẩu chỉ cần cam kết với Bộ Công Thương. Thực ra, việc này vẫn chưa hợp lý. Theo thống kê và ghi nhận thực tế tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay thì tất cả các đợt triệu hồi đều do chính nhà sản xuất (trong nước hoặc quốc tế thông qua các đơn vị được ủy quyền chính thức) thực hiện.

Tuyệt nhiên không có bất cứ một DN không đại diện cho bất cứ một nhà sản xuất ô tô nào đứng ra thực hiện triệu hồi sản phẩm khi có vấn đề kỹ thuật xảy ra. Bởi vì DN nhập khẩu chỉ là trung gian trong việc thực hiện triệu hồi sản phẩm. Điển hình là Bộ Môi trường Hàn Quốc trong vụ việc yêu cầu Volksowagen triệu hồi vào tháng 11.2015, Chính phủ Mỹ yêu cầu Toyota triệu hồi xe vào năm 2010, Chính phủ Nhật yêu cầu Ford triệu hồi năm 2016…Hoặc mới đây nhất Tập đoàn Mazda cùng Thaco đã tiến hành triệu hồi xe báo đèn kiểm tra động cơ trên xe Mazda3 (tất cả linh kiện do nhà sản xuất Mazda cung cấp cho đến nay việc triệu hồi vẫn chưa hoàn tất).

Rõ ràng, qua đó cho thấy việc liên hệ và yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm và phải thực hiện công việc quan trọng này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chứ không thể là một đơn vị kinh doanh thương mại thông thường. Như vậy, vấn đề triệu hồi cần phải được cam kết của nhà sản xuất.

Bởi lẽ, việc triệu hồi xe chỉ có nhà sản xuất mới biết chính xác các lỗi, hỏng hóc mang tính hệ thống và phát sinh trong quá trình thiết kế, sản xuất sản phẩm. Việc khắc phục lỗi và chẩn đoán các hỏng hóc các chi tiết, linh kiện và cụm chi tiết cấu thành trong sản xuất ô tô cũng chỉ có nhà sản xuất và các hãng xe mới có đủ phương tiện, kỹ thuật, thiết bị và phần mềm để chẩn đoán và khắc phục lỗi.

Bên cạnh đó, chính quyền các nước sở tại khi có đủ các bằng chứng về xe các hỏng hóc có khả năng gây tai nạn hay nguy hại cho xã hội thì chính quyền các nước có quyền yêu cầu các hãng thông qua các đơn vị được do hãng chỉ định hay ủy quyền bằng văn bản để thực hiện việc triệu hồi và khắc phục lỗi phát sinh miễn phí cho người sở hữu xe.

Giới chuyên gia khuyến nghị trong nghị định cần có cam kết hoặc giấy xác nhận của nhà sản xuất ô tô nhập khẩu đối với DN nhập khẩu về trách nhiệm triệu hồi của nhà sản xuất trong trường hợp ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật, cũng như tài liệu chứng minh cam kết của nhà sản xuất ô tô về trách nhiệm triệu hồi ô tô, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và cung cấp các linh kiện, phụ tùng thay thế đúng yêu cầu chất lượng của xe nhập khẩu.

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm