Những bài học kinh tế từ “bà đầm thép” Thatcher

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người được mệnh danh “bà đầm thép” là một ví dụ sống động cho sự khắc khổ của chính sách thắt lưng buộc bụng nền kinh tế và lợi ích của thị trường tự do.

Ngày 8/4, bà Margaret Thatcher đã qua đời trong một cơn đột quỵ để lại đau buồn không chỉ cho người dân Anh mà còn những người yêu mến bà trên thế giới. Bà là tấm gương điển hình cho tính cách quyết đoán, mạnh mẽ, ý chí sắt đá với những đường lối cải cách táo bạo và được mệnh danh là “bà đầm thép”.

 

Thủ tướng Anh David Cameron dành cho bà Thatcher bốn chữ đầy ngưỡng mộ “người Anh vĩ đại”. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói: “Rất ít lãnh đạo thay đổi được không chỉ bối cảnh chính trị của nước họ mà còn cả thế giới. Margaret là một lãnh đạo như thế. Ảnh hưởng toàn cầu của bà là rất to lớn".
 
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người được mệnh danh “bà đầm thép”.
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người được mệnh danh “bà đầm thép”.

 

“Một thực tế cơ bản của nền kinh tế là chúng ta không thể tự chi trả nhiều hơn chúng ta kiếm. Một thời gian dài ở Anh, người ta cứ giữ khư khư quan niệm không thể để thâm hụt tài chính vì điều đó sẽ không mang lại sự thịnh vượng lâu dài”, bà Thatcher nói trong một lần trả lời phỏng vấn của U.S.News.

 

Khi lên nắm quyền Thủ tướng, bà Thatcher bắt tay vào cắt giảm chi tiêu công, tham gia vào tái phân phối phúc lợi xã hội, và áp dụng đường lối cứng rắn để giảm lạm phát, kiềm chế tăng giá. Tuy nhiên, hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp lại tăng vọt. Khi nhậm chức vào năm 1979, tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 5%, nhưng đến năm 1982 thì nó đã lên gần 12%.

 

Đây cũng bài học cho các quốc gia Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế hiện nay đó là: cắt giảm chi tiêu có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

 

Và mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt và chất vấn từ các thành viên Quốc hội, Bà Thatcher vẫn cương quyết với lập trường và không lên tiếng biện hộ cho chính sách của mình.

 

Tuy nhiên, chính sách “thắt lưng buộc bụng” chỉ là một khía cạnh của chương trình cải tổ kinh tế rộng lớn mà bà Thatcher áp dụng. Bà còn thiết lập một chương trình tư nhân hóa như đóng cửa hoặc bán các công ty quốc doanh làm ăn không hiệu quả (khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những chính sách này sẽ khiến bộ mặt của nước Anh tốt hơn trong vài thập kỷ tới.

 

Và quả thật những cải cách táo bạo và cương quyết đã mở đường cho tự do kinh doanh, tư nhân hóa kinh tế và giúp nước Anh vượt qua được cơn khủng hoảng kinh tế. Khi bà rời khỏi ghế Thủ tướng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trở lại khoảng 7%. Lãnh đạo Đảng Lao động Anh Tony Blair sau đó phải công nhận rằng nếu không tạo ra thêm của cải vật chất thì rõ ràng các lát của chiếc bánh sẽ bị thu hẹp lại.

 

Dù đạt được những thành quả rất đáng kính nể trong suốt 11 năm cầm quyền, bà vẫn bị một số nhà kinh tế chỉ trích. Trong một bài báo năm 1993, các nhà kinh tế của Đại học Harvard và Đại học Dartmouth chỉ trích chính sách của Thatcher không chỉ làm giảm việc làm mà còn tạo ra bất bình đẳng về thu nhập và tiền lương.

 

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2001 với tờ PBS, chính sách của Thatcher quan tâm quá ít đến việc hỗ trợ người nghèo.

 

Kim Phụng

Theo Usnews