Nhộn nhịp hàng second-hand

Dù nằm trong danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, nhưng giày dép, quần áo, đồ điện tử second-hand vẫn bày bán la liệt. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, còn hình thành cả những con phố chuyên bán mặt hàng này.

Có cầu...

 

Dân Hà Nội không lạ gì các khu phố chuyên bán hàng thùng - hay còn gọi bằng tên khác như "hàng second-hand", hàng "sida" - Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Kim Liên, Tôn Đức Thắng, Thợ Nhuộm hay chợ Hàng Da.

 

Ngày nào cũng vậy, hầu hết những nơi này đều rất đông khách. Giới trẻ, đặc biệt là sinh viên ở Hà Nội rất hay tới thăm khu vực Kim Liên hay Phạm Ngọc Thạch để kiếm hàng.

 

Khác với những hàng thùng tương đối đại trà như ở phố Kim Liên, hay Thợ Nhuộm, hàng thùng ở chợ Hàng Da lại phù hợp hơn với giới sành điệu bởi đồ ở đây khá "độc". Cũng vì lý do này nên hàng thùng ở chợ Hàng Da là địa chỉ quen thuộc với giới người mẫu. Đến đây người ta có thể mua được những chiếc quần jeans nổi tiếng với giá lên tới hàng triệu đồng mà nếu không phải "dân chơi" thì khó đành lòng bỏ tiền ra mua.

 

... ắt có cung

 

Toàn, một trùm đầu nậu hàng quần áo sida cho biết, thông thường anh ta mua hàng tại các chợ trời Campuchia, gần biên giới càng tốt để tiết kiệm chi phí chuyên chở. Nếu may, kiện hàng sẽ toàn đồ xịn, mang về bán giá rất cao. Còn xui, chắc chắn kiện hàng xứng đáng để làm giẻ lau nhà, hoặc tốt lắm thì chỉ có thể bán được theo kiểu hàng đổ đống với 5.000-10.000 đồng/chiếc.

 

Toàn không thể tự mang về Việt Nam được mà phải thuê một đường dây vận chuyển qua cửa khẩu với giá trót lọt 100.000-200.000 đồng/kiện hàng.

 

Theo Toàn, bung một kiện hàng ra, đầu tiên phải chọn nước 1, tức là hàng cực kỳ tốt, đẹp, hợp thời trang để cung cấp cho các fashion ở những cửa hàng thời trang. Tính ra, nếu xô nguyên kiện thì giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc, nhưng khi giao cho các shop giá tăng lên gần 100.000 đồng/chiếc. Đến khi hàng đến tay người tiêu dùng, giá được đẩy lên 200.000-500.000 đồng/chiếc là thường, trong khi người mua cứ đinh ninh là được sở hữu quần áo thời trang mới 100%. 

 

Quần áo nước thứ 2 sẽ được đưa vào các cửa hàng chuyên bán sida ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cảnh Chân (TPHCM). Giày dép. Túi xách "nghĩa địa" sẽ tập trung về khu vực chợ Tân Định, quận 1, một số cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi.

 

Nước thứ 3, 4 xứng đáng được treo bán ở các cửa hàng sida nhỏ khác. Những mặt hàng thuộc cơ hội lựa chọn sau cùng dạt về các điểm bán hàng đổ đống ở chợ, khu phố.  

 

Quần áo “sida” rồi đến laptop “nghĩa địa”

 

Gần đây, TPHCM lại rộ lên phong trào mua hàng máy tính laptop, mắt kính "nghĩa địa" từ Campuchia về. Khiêm, một đầu mối chuyên đi hàng laptop sida về cung cấp cho các công ty kinh doanh máy vi tính, cơ sở sửa chữa máy tính, cho biết, các chợ "nghĩa địa" nằm cạnh biên giới Cam - Việt chuyên đổ đống kinh doanh hàng này. Chỉ cần đến, chọn hàng, trả giá, trả tiền, đối tác Campuchia sẽ có trách nhiệm đưa hàng qua biên giới.

 

Phố Lê Thanh Nghị ở Hà Nội cũng nổi tiếng với mặt hàng máy tính cũ. Cả một khu phố có tới hàng chục cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này. Khách hàng chủ yếu là những sinh viên và cán bộ với đồng lương không được "xông xênh" cho lắm.

 

Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, khách cứ nườm nượp vào ra. Nếu mua một bộ máy tính mới mất khoảng 7-8 triệu thì tới đây, chỉ cần 3-4 triệu là có thể sở hữu một chiếc máy cũng không đến nỗi tồi.

 

Theo VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm