Nhóm tài xế công nghệ Grab và những câu chuyện giúp người ở Sài Gòn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Giữa cuộc sống tấp nập, vẫn có những người tài xế công nghệ tình nguyện dừng lại giúp người. Với họ, đó vừa là trách nhiệm nghề nghiệp, vừa là cái tâm muốn san sẻ yêu thương từ chính công việc mà mình gắn bó.

Nhóm tài xế công nghệ Grab và những câu chuyện giúp người ở Sài Gòn - 1
Yêu nghề, thương người, những người tài xế luôn hết mình để hỗ trợ hành khách

Với cánh tài xế, việc nhận cuốc xe vào ra bệnh viện là chuyện không hề hiếm. Thế nhưng, điều đặc biệt là trên những chuyến xe ấy, họ cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn hay đôi khi là bắt gặp đôi ba mẩu chuyện đời về những trăn trở trong cuộc sống.

"Có lần tôi nhận cuốc của hai ông bà lớn tuổi bế cháu ngoại từ bệnh viện Nhi Đồng về Bình Dương. Cháu bé mắc bệnh phổi nhưng không có tiền nhập viện nên ông bà đành đưa cháu về. Lúc đó, tôi không mang nhiều tiền mặt nên chỉ gửi hai bác 800 nghìn để mua thêm thuốc men cho cháu." - Anh N.V.Cường (Tài xế GrabCar, 30 tuổi, Q.5, TP. HCM) nhớ lại một chuyến xe khiến anh trăn trở.

Giống như anh Cường, anh L.N. Khánh (tài xế GrabCar, 44 tuổi, Tân Phú, TP. LinkHCM) cũng chia sẻ: "Tôi có thói quen thấy ai trả tiền mặt hoặc có người đặt xe giùm, tôi sẽ hỏi hoàn cảnh khách, nếu thấy họ khó khăn quá thì thôi, tôi không lấy tiền cuốc xe đó nữa."

Đặc biệt, bản thân anh Khánh cũng từng nhận được danh hiệu "tài xế tốt bụng" của Grab vì đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ ngay trên xe. Anh còn nhanh trí thay đổi điểm đến trên lịch trình là bệnh viện gần nhất để sản phụ được cấp cứu kịp thời. Kể về kỷ niệm đặc biệt này, anh vui vẻ: "Vợ mình cũng trải qua sinh nở rồi nên mình hiểu. Thực ra lúc đấy run lắm, nhưng khi nghe tiếng đứa bé khóc là nhẹ cả người, cảm thấy hạnh phúc thay cho gia đình họ."

Nhóm tài xế công nghệ Grab và những câu chuyện giúp người ở Sài Gòn - 2
Lái xe công nghệ không phải chỉ là chuyện "bật áp - nhận cuốc" mà còn là tình người trên những chuyến xe

Điều đáng quý hơn là những người tài xế nhiệt thành này vẫn luôn cho rằng việc mình làm vốn rất nhỏ nhoi vì trong hàng triệu tài xế ngoài kia, họ tin còn rất nhiều người làm được nhiều điều tuyệt vời hơn thế.

Trên thực tế, cả anh Khánh và anh Cường đều là hai tài xế nằm trong nhóm B52. Đây là nhóm do một số anh em tài xế GrabCar tự lập để chia sẻ chuyện nghề cũng như cùng nhau hỗ trợ các hành khách có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, các anh còn tự đặt slogan "Tay phải cầm lái, tay trái giúp người" cho nhóm và xem đó là kim chỉ nam cho công việc của mình.

Nhóm tài xế công nghệ Grab và những câu chuyện giúp người ở Sài Gòn - 3
Logo của nhóm B52 được gắn trên mũi xe, mang theo sự tử tế và tấm lòng của những người tài xế GrabCar tại Sài Gòn

Ngoài chuyện giúp người, bản thân các tài xế cũng chủ động giúp đỡ đồng nghiệp. "Mỗi khi anh em có việc gì khó hoặc ốm đau bệnh tật chẳng hạn, chúng tôi sẽ gom góp lại để giúp đỡ hoặc thăm nom. Dù lái xe tự do, chúng tôi vẫn cùng là tài xế Grab, vẫn là những đồng nghiệp đáng quý của nhau." - các anh kể về cái tình của anh em tài xế nhóm B52.

Trong một quán cà phê nhỏ tại Quận 2, từng thành viên của nhóm bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về "cái duyên" gặp gỡ và gắn bó với nghề. Trước đây, anh Cường vốn là thợ gia công đá quý nhưng công việc quá áp lực nên đến năm 2018 nên anh quyết định đăng ký chạy GrabCar. "Từ khi đăng ký chạy Grab, buổi sáng của tôi bắt đầu bằng việc đưa con gái tới trường rồi bật app, nhận cuốc. Tuần nào mệt quá, tôi sẽ tự cho phép bản thân nghỉ một hôm, cuộc sống cũng nhờ vậy mà trở nên cân bằng hơn".

Nhóm tài xế công nghệ Grab và những câu chuyện giúp người ở Sài Gòn - 4
Niềm vui của nhóm tài xế B52 khi được gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời

Trong khi đó, anh Khánh lại xem nghề này là ngã rẽ thong thả của mình sau thời gian "cày cuốc". Anh Khánh từng là trưởng phòng phụ trách vận tải của một công ty nước ngoài. "Công việc cũ có thể cho tôi thu nhập đến vài chục triệu mỗi tháng nhưng lại cực kỳ căng thẳng. Tôi thấy chạy GrabCar có nhiều điểm hay, vừa có thu nhập, vừa được đi đó đây, vừa có anh em đồng nghiệp thân thiết." - anh Khánh vui vẻ cho biết.

Với những tài xế nhóm B52, mỗi ngày mở app lại là một trải nghiệm mới. Họ không biết trước ngày hôm nay mình sẽ có duyên gặp được vị khách nào nhưng chắc chắn một điều rằng, họ vẫn sẽ san sẻ yêu thương như cách mà mình từng làm và xem đó là một phần của trách nhiệm nghề nghiệp.