1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhìn lại tác động của cung tiền vào chứng khoán năm 2008

(Dân trí) - Năm 2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là tương đối thành công trong việc thực thi nhiệm vụ chống lạm phát, giúp nền kinh tế hạ cánh an toàn.

Nhìn lại tác động của cung tiền vào chứng khoán năm 2008 - 1

Hiệu ứng Domino kinh tế đang dần bị chặn lại tại Việt Nam.

 
Trên các thị trường tài chính, những tín hiệu phát ra từ NHNN là những tín hiệu quan trọng nhất, tác động mạnh mẽ đến giá của các loại tài sản như chứng khoán, nhà đất...

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của NHNN với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng là bình ổn kinh tế vĩ mô, ngăn chặn tác động của lạm phát.

Bằng việc tăng, giảm cung tiền, NHNN đã phần nào “điều khiển” được chỉ số giá tiêu dùng nhằm mục đích bình ổn các chỉ số kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định.

Một vấn đề đặt ra là tín hiệu thắt chặt cung tiền được công bố khi nào? Đây là một biến số ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng, chỉ số lạm phát, thị trường chứng khoán, bất động sản…

Vấn đề thứ hai là thị trường đón nhận tín hiệu đó ra sao?

Tín hiệu thắt chặt cung tiền, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời Quốc hội, đã được NHNN phát tín hiệu từ ngày 28/5/2007.

Cụ thể, ngày 28/5/2007, thấy tín hiệu tiền thừa trong lưu thông, Thống đốc Giàu đã ra quyết định tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi. “Có nghĩa từ đây đã phát tín hiệu hoàn toàn thắt chặt chính sách tiền tệ” - Thống đốc nói.

Ngày 6/6/2007, báo Đầu tư dẫn lời một chuyên gia ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại TPHCM: “Theo tính toán, số tiền sẽ bị hút trở về NHNN bởi biện pháp này sẽ lên tới khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ đối với các ngân hàng hiện nay”.

Cũng theo báo này, phản ứng của một số ngân hàng khi trao đổi với báo chí là "hơi sốc" bởi quyết định tăng dự trữ bắt buộc được đưa ra khá đột ngột, và mức tăng gấp đôi là rất lớn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thậm chí còn cho rằng, nếu ở góc độ của một ngân hàng thì ông không thích biện pháp này, bởi nó làm chi phí vốn của ngân hàng tăng lên.

Sau đó hơn 1 tháng đến ngày 30/6/2007, một loạt cảnh báo về nguy cơ lạm phát trên phương tiện truyền thông. Như vậy, có lẽ NHNN đã nhìn thấy trước được nguy cơ lạm phát và đã phát tín hiệu thắt chặt cung tiền mạnh mẽ.

Nhìn vào diễn biến Vn-Index trong khoảng thời gian này, có vẻ như ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đến thị trường chứng khoán được cảm nhận khá rõ.

Sau khi đạt đỉnh cao ở mốc 1.107 điểm ngày 22/5/2007, TTCK giảm nhẹ (thông tin NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ có thể được giới đầu tư dự đoán trước) cho đến ngày 28/5/2007, NHNN chính thức công bố chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, TTCK liên tục giảm sâu.

Sau đó, TTCK có xu hướng phục hồi nhưng với việc NHNN tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ bằng nhiều các biện pháp bắt các ngân hàng mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát đã cắt đứt sự hỗ trợ tài chính của các nhà đầu tư từ ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Kể từ đó xu hướng cấp 1 của của chỉ số Vn-Index là xu hướng giảm. Điều đáng lưu ý là có những thời điểm khi TTCK giảm sâu xuống 600 điểm, rất nhiều nhóm lợi ích liên quan đến TTCK yêu cầu Nhà nước ngăn chặn sự giảm sâu của TTCK, một trong những biện pháp đó là cho Tổng Công ty vốn Nhà nước (SCIC) can thiệp trực tiếp vào thị trường. Các quan chức cấp cao kêu gọi nhà đầu tư mua vào vì giá không thể giảm nữa.

Kết quả của những biện pháp hành chính đó vào thị trường được trả lời bằng diễn biến của TTCK 2008 trong suốt một năm qua. Có cơ sở để hoài nghi rằng chính cung tiền đã quyết định diễn biến dài hạn của TTCK chứ không phải những biện pháp can thiệp.

Huỳnh Duy
CafeF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm