Nhiều nước tăng mua "vàng đen" của Việt Nam
(Dân trí) - Mỹ, Đức, UAE, Ấn Độ tăng nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 7 tháng. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 4.656 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu hạt tiêu - mặt hàng gia vị được ví như "vàng đen" của Việt Nam trong tháng 7 đạt 21.800 tấn, trị giá 129,9 triệu USD, tăng 42,9% về lượng và tăng 128,3% về trị giá so với cùng kỳ 2023.
Tính chung 7 tháng qua, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 163.300 tấn, trị giá 760,26 triệu USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 40,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 4.656 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong 7 tháng, xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đạt 10.922 tấn, trị giá hơn 55 triệu USD, tương đương tăng 40,2% và 113,9% về lượng và trị giá; xuất khẩu sang Đức đạt 11.028 tấn, trị giá 57 triệu USD, tăng 99,6% và 152,4%...
Riêng thị trường Mỹ, trong 6 tháng, Việt Nam xuất khẩu 34.910 tấn, trị giá gần 161,47 triệu USD, tăng 31,1% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn giảm từ 79,1% xuống 76,46%.
Trong 19 ngày đầu tháng 8, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa biến động theo xu hướng giảm. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, sức mua từ các thị trường châu Âu, Mỹ giảm, trong khi thị trường Trung Quốc vẫn chưa thu mua mạnh trở lại.
Ngày 19/8, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm 10.000-12.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với cuối tháng 7, xuống còn 138.000-140.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 185.000 đồng/kg, giảm 14.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, nhưng vẫn cao hơn 102.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết giá hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Brazil hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, chiếm 17-18% tổng nguồn cung toàn cầu.
Do đó, tình trạng mất mùa liên tục tại Brazil sẽ gây ra tác động trên thị trường, dự kiến sẽ đẩy giá tiêu toàn cầu tăng lên những tháng cuối năm khi nguồn cung tiêu từ các nước sản xuất lớn khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia... cũng đều giảm.