1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới trả lãi tiền gửi cũ

(Dân trí) - "Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền" - TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright cho hay.

TS Nguyễn Xuân Thành
TS Nguyễn Xuân Thành

Lãi dự thu - mối nguy mới của ngân hàng

Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 diễn ra sáng nay (14/3/2016) do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức, TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nợ xấu thì nay lại thêm vấn đề lãi dự thu.

Ông Thành phân tích, các ngân hàng vẫn đang phải "nuôi" nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được "tiền tươi thóc thật". Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần 2,74% mà các ngân hàng công bố có một phần "ảo" trong đó - ông Thành nhận định.

"Vừa rồi chúng tôi có một báo cáo nhưng không thể công bố được. Vì nói đến dự thu thì phải điểm tên chỉ mặt các ngân hàng, vấn đề này lại rất nhạy cảm" - vị chuyên gia chia sẻ.

Theo ông Thành, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.

"Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền" - TS Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Như vậy, bên cạnh việc xử lý nợ xấu thì còn phải giải bài toán làm sao giải quyết được vấn đề lãi dự thu của các ngân hàng bởi đây là một vấn đề lớn trong tái cấu trúc ngành.

Kệ mặc ngân hàng tự xử lý nợ xấu là "vô trách nhiệm"

Góp phần tham luận tại Hội thảo, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy nhận xét: "Ai cũng nói nợ xấu là vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng, nhưng theo tôi, khi nợ xấu đã được ghìm dưới 3% thì đây không còn là vấn đề lớn nữa. Đã làm ngân hàng đương nhiên có nợ xấu nhưng ở đây nợ xấu dưới 3% thì tốt quá rồi!"

Thế nhưng, ông Thúy cũng nhìn nhận, cách đánh giá nợ xấu của Việt Nam chưa theo chuẩn mực thế giới. Thực tế, nợ xấu có một phần không nhỏ nằm ở VAMC, chưa giải quyết được căn bản.

Theo quan điểm của nguyên Thống đốc, cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách nhà nước - hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu.

Theo ông Thúy, ngân hàng tạo ra nợ xấu thì phải chịu thế nhưng, nếu ôm quá nhiều nợ xấu thì ngân hàng không thể làm tròn vai trò là trung gian tài chính, là nguồn phân bổ vốn cho nền kinh tế.

"Nếu để ngành ngân hàng sang một bên mà nền kinh tế vẫn phát triển thì không còn phải bàn. Thế nhưng, sức khỏe của nền kinh tế gắn với ngân hàng, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Nên nếu nhìn nhận theo hướng: Cứ để mặc, kệ nó cho nó tự xử lý thì theo tôi là thiếu trách nhiệm" - ông Thúy nêu quan điểm.

Bích Diệp

Nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới trả lãi tiền gửi cũ - 2