1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều ngân hàng cắt giảm lương, giảm chi phí để “xử lý” nợ xấu

(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu của ngành ngân hàng là 138,98 nghìn tỷ đồng. Để xử lý nợ xấu, nhiều tổ chức tín dụng đã tiết giảm tối đa chi phí, tiền lương, hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận…

85.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng đã được tự xử lý.
85.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng đã được tự xử lý.

Tài sản giảm, nợ xấu tăng

Theo số liệu thống kê mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại thời điểm 31/7 là 5.248.573 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2012. Trong đó tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 3,89%, đạt 2.287.236 tỷ đồng; còn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tăng 0,86%, đạt 2.177.892 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với số liệu cập nhật tính đến cuối tháng 6/2013, tổng tài sản của toàn hệ thống đã giảm gần 45.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng TMCP giảm gần 38.300 tỷ đồng còn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giảm hơn 6.200 tỷ.

Số liệu mới nhất được thống kê từ các tổ chức tín dụng cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7/2013 là khoảng 138,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,58% trên tổng dư nợ, cao hơn 0,12% so với thời điểm thống kê trước đó 1 tháng. Đây cũng là tháng đầu tiên tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp.

Theo lý giải của một số chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu tăng là do việc phân loại nợ rõ ràng hơn.
 
Còn nhớ, tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013 ngày 5/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam gần đây đã được tiến hành một cách tích cực. Theo đó, trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013, các ngân hàng đã tự xử lý được 85.000 tỷ đồng nợ xấu.
 
Hiện tại, hệ thống ngân hàng đã có thêm công cụ giải quyết nợ xấu là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Dự kiến, trong năm 2013, công ty này sẽ xử lý được từ 40 nghìn - 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
 
Đến 2015 sẽ xử lý hết nợ xấu?
 
Để xử lý nợ xấu một cách căn bản và đầy đủ, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện cơ quan này đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.
 
Nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu.
 
5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015 được xác định gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

Đặc biệt, để xử lý nợ xấu, các TCTD tích cực thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động (trong đó nhiều TCTD đã giảm từ 20-50% chi phí tiền lương), hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro tín dụng; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng.

                                                                                                                                                                                                                                   Nguyễn Hiền