1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TT-Huế:

Nhiều khu “đất vàng”... bất động

(Dân trí) – Với nhiều nguyên nhân, nhiều dự án du lịch, dịch vụ tại 4 khu “đất vàng” có giá trị hàng trăm tỷ trở lên trong TP Huế đã bất động những năm qua, gây ảnh hưởng đến kinh tế tỉnh và bộ mặt mỹ quan cố đô Huế.

“Đất vàng” bị dự án “rùa” chiếm giữ

Dự án lâu nhất đã “bất động” từ 7 năm qua, những dự án còn lại thì chậm trễ từ 2 đến 5 năm. Điểm qua như dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen tọa lạc ngay ngã 6 trung tâm thành phố Huế, giao điểm của đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nguyễn Tri Phương với 15 tầng, diện tích 2.577m2, tổng mức đầu tư 143,1 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong với 15 tầng, 2 tầng hầm đã dừng lại từ năm 2011 với tổng mức đầu tư đã giải ngân là 110 tỷ đồng. Nhìn từ xa, tòa nhà trông tả tơi qua nắng gió, mưa dầm xứ Huế.

Nguyên nhân do gặp túi bùn ngay tại vị trí 2 tầng hầm nên làm tiến độ đầu tư kéo dài, kinh phí theo đó cũng tăng lên. Qua thi công phần thô, hiện chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Viwaseen - Huế đã không còn khả năng huy động thêm vốn đầu tư. Nên đã có văn bản trình tỉnh xin tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Tòa Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen 15 tầng ở vị trí tuyệt đẹp trong trung tâm TP Huế

Tòa Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen 15 tầng ở vị trí tuyệt đẹp trong trung tâm TP Huế. Chủ đầu tư dự án này đã xin chuyển nhượng vì không đủ khả năng kinh tế

Gần đó là khu đất “vàng” với 7.000m2 dùng cho dự án xây khách sạn U Hotel Huế. Sau khi đấu giá trúng lô đất với trị giá 160 tỷ đồng, Công ty Sông Đà Thăng Long đã bắt đầu cho xây dựng. Tuy nhiên, gọi là “xây dựng”, chứ chỉ ép 126 cọc nhồi từ tháng 8/2011 với giá trị giải ngân khoảng 43 tỷ đồng. Do gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, dự án đã ngừng thi công trên thực địa từ cuối năm 2011 đến nay.

Bãi đất vàng 7.000m2 khách sạn U Hotel chưa triển khai được gì ngoài ép cọc nhồi qua 2 năm nay
Bãi đất vàng 7.000m2 khách sạn U Hotel chưa triển khai được gì ngoài ép cọc nhồi qua 2 năm nay (ảnh: BAUER Vietnam Limited)

Khu khách sạn Petrolimex, số 50A Hùng Vương giao ở ngã 5 thành phố Huế có diện tích 4.575m2, thời gian thuê đất 50 năm từ năm 2009. Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Cty CP Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế, tổng mức đầu tư 440,4 tỷ đồng. Từ đó đến nay mới cũng chỉ ép 501 cọc móng và một số hạng mục nhỏ khác với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

Nguyên nhân đưa ra, cũng gần giống với Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen: là do bị ảnh hưởng bởi… nền địa chất phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án nên gây khó khăn trong huy động thêm vốn đầu tư. Công ty CP đầu tư Đông Dương (nhà thầu chính) và là cổ đông đóng góp vốn không thực hiện đúng tiến độ cam kết, ảnh hưởng việc huy động vốn tự có để thực hiện dự án. Theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, đến 2015, Tập đoàn Xăng dầu phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Do vậy, công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng cổ phần.

Dự án trung tâm du lịch dịch vụ HuePlaza (diện tích 1.200m2) tọa lạc ngay dưới chân cầu Phú Xuân ở khu vực trung tâm năng động phía Nam thành phố do Công ty CP Du lịch Huế làm chủ đầu tư. Được cấp giấy đầu tư vào tháng 4/2008. Công ty cam kết hoàn thành vào quý IV/2012. Dự án đã xong phần thô với 5 tầng, 1 tầng hầm với diện tích sàn 5.728m2 từ quý III/2011 và đã tạm dừng thi công cho đến nay.

Vì thiếu vốn, dự án HuePlaza ngay tại vị trí cực kỳ thuận lợi cho du lịch cũng đang nằm bất động

Vì thiếu vốn, dự án HuePlaza ngay tại vị trí cực kỳ thuận lợi cho du lịch cũng đang nằm "bất động"

Do gặp khó khăn về vốn, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tiến độ, cam kết hoàn thành dự án vào quý II/2014. Tỉnh đã đồng ý cho phép điều chỉnh trong giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng nếu đến hạn mà vẫn không xong, Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ kiến nghị thu hồi dự án mà không đền bù tài sản trên đất theo như cam kết đầy quyết tâm của nhà đầu tư.

Một dự án nữa ở khu đất số 4 đường Hà Nội gần 3.500m2 được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT mua thông qua trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng giá trị 130,7 tỷ đồng vào tháng 3/2012. Kể từ ngày trúng đấu giá đến nay, chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng trên thực địa. Hiện đây là bãi đất với cỏ dại, một số không gian được trưng dụng làm nơi trồng cây cảnh quý, rửa xe và quán nhậu.

Nguyên nhân, do nguồn vốn tham gia đấu giá lô đất trên bao gồm có Công ty ĐTPT Hạ tầng đô thị UCID – đơn vị liên danh liên kết với VNPT. Do vậy, Công ty này đề nghị Ủy ban tỉnh TT-Huế điều chỉnh lại quyết định để bổ sung đơn vị liên danh vào kết quả trúng giá lô đất. Tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết do vướng các quy định của pháp luật. Hiện tại, chủ đầu tư đang tiếp tục xem xét giải pháp để liên doanh, liên kết , huy động vốn triển khai dự án.

Lô đất vàng số 4 đường Hà Nội

Lô đất vàng số 4 đường Hà Nội

Sẽ thu hồi, chấm dứt dự án nếu không khả thi

Cái khó ở những vị trí “đất vàng” này là nhà đầu tư thường thuê đất dài hạn đến 50 năm, cho nên rất khó để giải quyết mới. Trong cuộc họp HDDND khóa 6 tỉnh TT-Huế vừa diễn ra từ 17-19/7, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh cho biết, đang cố gắng để các dự án trên tiếp tục hoạt động và cán đích để đưa lại bộ mặt mới cho Huế.

Ngoài dự án Trung tâm dịch vụ du lịch HuePlaza đã có cam kết “cứng rắn” thể hiện sự quyết tâm của chủ đầu tư. Hai dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen và Khách sạn Petrolimex, tỉnh phải “chung tay”, phối hợp cùng chủ đầu tư tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư mới để đầu tư hoàn thiện và chuyển nhượng cổ phần. Riêng khách sạn Petrolimex, nếu việc tìm kiếm đối tác không khả thi, tỉnh sẽ chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án để kêu gọi nhà đầu tư khác.

Đất vàng số 4 đường Hà Nội nhìn qua Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen dang dở
Đất "vàng" số 4 đường Hà Nội nhìn qua Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen dang dở (ảnh: Viwaseen Huế)

Hai dự án khách sạn U Hotel và khu đất số 4 đường Hà Nội vì tổng vốn đầu tư khá lớn (gồm tiền mua quyền sử dụng đất và phần vốn đã đầu tư hạ tầng) nên tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư tìm nguồn vốn vay trong, ngoài nước hay tìm đối tác có tiềm lực tài chính để chuyển nhượng dự án. Nếu không triển khai được trong thời gian dài, phương án cuối cùng được xem xét là chấm dứt đầu tư, thu hồi dự án.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm