Nhiều dự án FDI sẽ bị từ chối

Tám nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được Bộ Kế hoạch- Đầu tư đề xuất lên Chính phủ, trong đó có nhiều loại dự án sẽ bị từ chối, thay vì được cấp phép dễ dàng như trước.

Nhiều dự án FDI sẽ bị từ chối - 1
Việc cấp phép dự án FDI sẽ được siết chặt hơn trước (ảnh minh họa).
 
Yêu cầu siết lại vốn FDI hay nói khác đi là không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá đã được đặt ra khi khi nguồn vốn đăng ký trong 3 năm qua đã đạt 97,6 tỉ USD, vượt 77,4% so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng tác động đáng kể đến nguồn vốn đăng ký và thực hiện.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), ba năm qua, vốn FDI thực hiện có tăng trưởng rất đáng kể: năm 2006 là 4,1 tỉ USD, tăng 24% so với năm trước đó; năm 2007 là 8 tỉ USD, tăng 96% so với năm 2006; năm 2008 là 11,5 tỉ USD, đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Như vậy, tính chung cả 3 năm, vốn thực hiện là khoảng 23,6 tỉ, đạt 94,4% mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 và khả năng hoàn thành mục tiêu kỳ kế hoạch 5 năm không còn là vấn đề phải bàn nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề quy mô vốn và diện tích sử dụng đối với một số dự án FDI quy mô lớn đang là vấn đề phải xem xét nghiêm túc.

Việc đơn giản hóa các thủ tục đầu tư năm 2005, kéo theo việc không quy định phải thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư mà thay vào đó là việc để nhà đầu tư đăng ký và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vốn đăng ký là một thuận lợi cho đối tác nhưng thực tế đã xuất hiện một số dự án có sự kê khai vốn đăng ký và nhu cầu sử dụng đất lớn hơn nhu cầu.

Việc kê khai tăng vốn đầu tư đăng ký sẽ làm tăng mức khấu hao tài sản cố định của dự án đầu tư và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Mỗi năm, riêng các khoản thuế thu được từ các doanh nghiệp FDI khoảng 5 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, việc khai tăng nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư sẽ tạo ra áp lực lớn cho nhà nước về tài chính cũng như các vấn đề xã hội trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án vì nhà nước phải thực hiện giai đoạn đầu này thay cho nhà đầu tư, chưa nói đến các tác động về môi trường, hạ tầng xã hội mà Việt Nam chưa chuẩn bị kịp để đón một lượng các dự án đầu tư như trong thời gian qua.

Trong 8 nhóm giải pháp được Bộ KH-ĐT đề xuất cho việc thu hút vốn trong thời gian tới, việc xúc tiến các biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án FDI đã đăng ký trong thời gian qua được đặt lên hàng đầu so với vấn đề chăm chú thu hút và xúc tiến đầu tư.

Theo đó, Bộ KH-ĐT và các bộ khác sẽ thành lập các tổ liên ngành đề giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai, đặc biệt là ở các dự án lớn và có tác động kinh tế - xã hội cao.

Thậm chí những quy hoạch cũ tại địa phương nếu không khả thi bằng các dự án đầu tư mới đã đăng ký cũng sẽ được đề xuất sửa đổi để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, thể hiện qua những chính sách, chế độ đặc thù do bộ và địa phương cùng thống nhất.

Đồng thời, Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh giải pháp kiên quyết thu hồi giấy phép cho các dự án “treo”, chậm trễ thực hiện hoặc các dự án sử dụng quá nhiều diện tích đất, sử dụng quá nhiều năng lượng hoặc các dự án không gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

TheoNgọc Lan
Thời báo Kinh tế Sài Gòn