Nhiều doanh nghiệp xe gặp khó, giá xe năm 2019 không giảm

(Dân trí) - Thu nhập gia tăng, người tiêu dùng Việt đang tích cực mua xe hơi làm phương tiện hay mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, dù có thị trường và có khách hàng gia tăng, song giá xe tại Việt Nam vẫn chưa giảm so với kỳ vọng của người dân năm 2018, bước vào năm 2019, nhiều dự đoán giá xe sẽ không giảm sâu như kỳ vọng.

Doanh số xe tải, xe khách giảm sốc, doanh nghiệp Việt gặp khó

Trái ngược với xu hướng tiêu thụ, doanh số xe du lịch tăng cực mạnh, các hãng xe liên doanh, tư nhân trong nước lại có doanh số bán xe tải, xe khách tụt giảm mạnh. Đáng chú ý, giá trị gia tăng trong ngành xe hơi Việt hiện đến từ các dòng xe tải, xe khách chứ không phải ở xe du lịch, điều này cho thấy các hãng đang vật lộn với khó khăn.

xe khach 1.jpg

Doanh số bán xe tải, xe khách giảm, nhiều doanh nghiệp xe Việt lâm cảnh khó khăn

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của xe khách năm 2018 ghi nhận đạt hơn 10.45o chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Ở thị trường xe tải, doanh số xe tải bán ra của các thành viên VAMA chỉ đạt gần 68.500, giảm hơn 12.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, trong danh sách các dòng xe khách tại Việt Nam, nhiều mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa rất cao từ 70 đến 99%/linh phụ kiện xe. Các dòng xe cũng đều được nội địa hóa khung, gầm, sơn, cabin, chỉ nhập động cơ từ hãng ở nước ngoài.

Chính vì thế, xe khách, xe tải là những dòng xe có giá trị gia tăng rất lớn cho các doanh nghiệp, hãng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các dòng xe tải, xe khách có kết cấu, cấu kiện không quá phức tạp như các dòng xe du lịch, nên các doanh nghiệp Việt dễ nâng tỷ lệ nội địa hóa và thu lời từ doanh số, điều này khác với các dòng xe du lịch đòi hỏi tiêu chuẩn khá khắt khe và vòng đời thay đổi nhanh chóng.

Người Việt chuộng xe gia đình, đa dụng

Lượng tiêu thụ các loại xe đa dụng từ 5 chỗ trở lên tại Việt Nam ngày càng gia tăng trong năm qua. Bên cạnh đó, phân khúc các xe đa dụng đang xuất hiện nhiều hơn các mẫu mới để chiều lòng người mua xe Việt Nam.

xe da dung.jpg

Xe đa dụng, gia đình có doanh số ngày càng lớn

Theo con số được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra, trong năm 2018, có hơn 68.000 chiếc xe đa dụng được bán ra, tăng gần 13.000 chiếc so với lượng xe đa dụng tiêu thụ năm 2017.

Trong các dòng xe đa dụng, mẫu SUV vẫn được bán nhiều nhất với trên 35.600 chiếc, chiếm trên 52% lượng xe da dụng các loại bán ra. Lượng bán SUV năm 2018 tăng gần 6.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó các thương hiệu CRV, HRV của Honda, Ford Eco Sport và Outlander của Mitsubishi có doanh số đóng góp lớn nhất.

Dòng xe Crossover năm 2018 cũng được bán ra khá ấn tượng khi đạt doanh số hơn 12.300 chiếc, tăng hơn 3.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Mẫu Crossover năm 2018 "hot" nhất vẫn là CX5 của Mazda. Đây là dòng xe chủ lực của phân khúc khi bán ra được hơn 12.200 chiếc.

Cuối cùng là dòng xe MPV, năm 2018, thị trường xe đa dụng cỡ lớn có cũng có doanh số bán cao khi đạt hơn 20.300 chiếc, tăng hơn 5.000 chiếc so với doanh số năm 2017.

Dòng xe cỡ lớn MPV hiện chủ yếu chỉ dựa vào doanh số của Toyota Innova, gần đây mới xuất hiện một vài mẫu khác như Xpander của Mitsubishi, Rondo, Sedona của Kia...

Giá xe hơi năm 2019: Khó giảm như ý

Năm 2019, dự báo thị trường xe hơi Việt Nam tiếp tục bùng nổ do thu nhập bình quân đầu người của người dân đang tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Năm 2019, người Việt cũng có rất nhiều kỳ vọng vào thị trường xe hơi khi mà nhu cầu sở hữu một chiếc xe không còn quá xa vời, xa xỉ như trước.

kia Sportega.jpg

Năm 2019, giá xe hơi tại Việt Nam có thể sẽ không giảm mạnh, bất chấp nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng và nhiều mẫu xe hơn

Có lẽ mong chờ nhất của người tiêu dùng Việt là giá xe trong năm 2019 tiếp tục giảm thêm. Hiện nay, so với giá bình quân và giá dòng xe đơn lẻ, giá xe tại Việt Nam vẫn đắt hơn so với khu vực.

Đáng nói, dù bỏ thuế nhập khẩu, song chính những chiếc xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam lại có giá bán đắt hơn rất nhiều so với mức giá bán ra tại chính Thái Lan hay xe Thái nhập sang Indonesia, Malaysia.

Hiện, các dòng xe hatchback cỡ nhỏ như Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark... đã có nhiều mẫu bán rất rẻ chỉ từ 230 triệu đồng đến 400 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, các mẫu xe sedan, SUV đô thị hoặc xe đa dụng cỡ lớn MPV chỉ giảm giá nhẹ. Giá bình quân chung các dòng xe sedan vẫn ở ngưỡng 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng/chiếc.

Mức giá rẻ nhất của các dòng xe SUV ở ngưỡng 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/chiếc. Các dòng xe MPV cỡ lớn cũng có giá bán rẻ nhất là 800 triệu đồng/chiếc.

Trên thực tế, các mẫu xe như Honda CRV, HRV nhập Thái Lan hay Toyota Fortuner nhập từ Indonesia về Việt Nam đều có giá bán cao hơn từ 150 đến 200 triệu đồng/chiếc so với phiên bản bán tại các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Các dòng xe nhỏ như Wigo, Brio nhập từ các nước ASEAN cũng đều có giá bán chính quốc rẻ hơn tại thị trường Việt Nam.

Hết Tết, hết làm giá, hết bán ô tô kiểu bán bia kèm lạc

Ngay sau Tết, hàng loạt dòng xe phổ thông đã giảm giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/chiếc, trong khi đó kiểu bán "bia kèm lạc", "kênh giá" của các đại lý, hãng xe đã không còn.

xe o to.jpg

Hết Tết, hết bán ăn chênh, hết đòi tăng giá

Ngay từ đầu năm, một số dòng xe, mẫu xe đã tuyên bố giảm giá như Eco Sprt 1.5 AT Titanium, EcoSport 1.0 AT Titanium của Ford, hay các dòng xe của Nissan.

Cũng ngay sau Tết Kỷ Hợi, các đại lý bán xe "hot" năm 2018 là Honda CRV và Toyota Fortuner đều gỡ bỏ kiểu bán xe ăn chênh, bán xe kèm thêm phụ tùng đắt đỏ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/chiếc xe.

người tiêu dùng càng đổ xô vào dòng xe nào thì dòng xe đó càng bị các hãng, đại lý làm đủ chiêu trò tăng giá hoặc bắt mua thêm các phụ kiện. Ngay cả các dòng xe lắp ráp trong nước cũng lợi dụng chiêu trò "khan hàng" để móc túi người tiêu dùng.

Trong khi đó các mẫu xe, dòng xe nhập vin vào cớ khó khăn đường nhập khẩu về nước để tăng giá bán đối với người tiêu dùng. Trường hợp này diễn ra đối với các mẫu xe như Toyota Fortuner, Honda CRV.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa tháng đầu năm 2019, tổng ôtô nhập về Việt Nam đạt 6.300 chiếc, xe con đạt hơn 4.200 chiếc, chiếm gần 67%. So với cùng kỳ năm 2018, lượng xe nhập đã tăng rất mạnh (năm ngoái cả nước chỉ nhập 47 ô tô).

Rất nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, việc tập trung lượng mua quá lớn của người tiêu dùng vào một dòng xe, mẫu xe nhất định đã và đang tạo cơ hội cho các hãng, đại lý tranh thủ "chặt chém" và tạo ra nhiều hình thức kinh doanh biến tướng, gây nguy hại cho thị trường và khiến người tiêu dùng bắt buộc phải trả phí cao hơn so với bình thường do độc quyền phân phối, cung ứng một hay nhiều dòng xe.

An Linh

(Tổng hợp)