Doanh số xe khách, xe tải giảm "sốc", doanh nghiệp xe Việt gặp khó

(Dân trí) - Trái ngược với xu hướng tiêu thụ, doanh số xe du lịch tăng cực mạnh, các hãng xe liên doanh, tư nhân trong nước lại có doanh số bán xe tải, xe khách tụt giảm mạnh. Đáng chú ý, giá trị gia tăng trong ngành xe hơi Việt hiện đến từ các dòng xe tải, xe khách chứ không phải ở xe du lịch, điều này cho thấy các hãng đang vật lộn với khó khăn.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của xe khách năm 2018 ghi nhận đạt hơn 10.45o chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Ở thị trường xe tải, doanh số xe tải bán ra của các thành viên VAMA chỉ đạt gần 68.500, giảm hơn 12.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số xe khách, xe tải giảm sốc, doanh nghiệp xe Việt gặp khó - 1

Dòng xe khách, xe tải hạng nhẹ năm 2018 tụt giảm doanh số bán ra, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp và hãng.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe khách tại Việt Nam đều là thành viên của VAMA như Thaco - Trường Hải, Daewoo, Samco, Veam Moto, Vina Motor, Mekong Auto, Hino hay Mercesdes-Benz, Isuzu, Suzuki... chỉ ngoại trừ Hyundai Thành Công năm 2018 có doanh số bán xe thương mại đạt hơn 7.500 chiếc, khá khiêm tốn so với doanh số bán các dòng xe con của hãng này tại Việt Nam.

Hiện nay, trong danh sách các dòng xe khách tại Việt Nam, nhiều mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa rất cao từ 70 đến 99%/linh phụ kiện xe. Các dòng xe cũng đều được nội địa hóa khung, gầm, sơn, cabin, chỉ nhập động cơ từ hãng ở nước ngoài.

Chính vì thế, xe khách, xe tải là những dòng xe có giá trị gia tăng rất lớn cho các doanh nghiệp, hãng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các dòng xe tải, xe khách có kết cấu, cấu kiện không quá phức tạp như các dòng xe du lịch, nên các doanh nghiệp Việt dễ nâng tỷ lệ nội địa hóa và thu lời từ doanh số, điều này khác với các dòng xe du lịch đòi hỏi tiêu chuẩn khá khắt khe và vòng đời thay đổi nhanh chóng.

Năm 2018, trong các dòng xe khách tại Việt Nam, chỉ duy nhất mẫu xe bus 10 -16 chỗ tiêu thụ tốt khi đạt hơn 6.160 chiếc, tăng 160 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Còn lại các dòng xe bus 17 - 30 chỗ giảm nhẹ hơn 380 chiếc, dòng bus cỡ lớn 31 - 55 chỗ ngồi có doanh thu sụt giảm mạnh nhất khoảng 1.900 chiếc so với cùng kỳ năm trước, chỉ bán ra được hơn 3.600 chiếc.

Ở phân khúc xe tải, trên thị trường đang có sự cạnh tranh giữa hầu hết các hãng xe như Kia, Veam Moto, Vina Motor, Isuzu, Suzuki...

Thị trường xe tải, phân khúc xe từ 10 tấn vẫn có doanh số bán ra cao khi đạt ngưỡng 19.900 chiếc, bằng doanh số năm 2017. Tuy nhiên, xe tải cỡ lớn, xe 4 chân dưới 24 tấn có sự suy giảm doanh số khi chỉ đạt lượng bán ra hơn 1.900 chiếc, giảm 600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói nhất là sự tụt giảm cực mạnh của doanh số dòng xe tải dưới 5 tấn, đây là mẫu xe có sự cạnh tranh của hầu hết các hãng xe tại Việt Nam và có tỷ lệ nội địa hóa hầu hết từ 90% - 99% tại Việt Nam. Năm 2018, xe tải dưới 5 tấn bán ra hơn 22.200 chiếc, sụt giảm hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Tuyền

Doanh số xe khách, xe tải giảm sốc, doanh nghiệp xe Việt gặp khó - 2