Gia nhập WTO:

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể “chết yểu”

Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược công nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp phụ trợ gặp thách thức lớn nhất khi Việt Nam gia nhập WTO. Chưa nói tới xuất khẩu, ngay cả cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng sẽ rất gay gắt.

Ông lo ngại nhất cho những ngành nào khi Việt Nam gia nhập WTO?

 

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu, nhất là công nghiệp phụ trợ. Đơn cử như ngành ôtô, có tới 17 nhà sản xuất lắp ráp xe con mà chỉ có chưa đầy 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng, làm gioăng cao su cho xe hơi. Đây là cả câu chuyện lớn, ở Thái Lan con số này lên tới hàng nghìn.

 

Công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt may cũng ở con số 0. Một chiếc áo gia công cho hãng Pierre Carrdin, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng 1,3-1,5 USD trong khi họ bán tới hàng trăm USD. Nhiều người còn nói vui, ngành may mặc Việt Nam đang nuôi cả người mẫu nước ngoài.

 

Vào WTO, thuế nhập khẩu giảm, giá nguyên liệu giảm sẽ là thách thức lớn của ngành công nghiệp phụ trợ, cạnh tranh quyết liệt hơn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chết yểu.

 

Cạnh tranh quyết liệt hơn, vậy sau khi gia nhập WTO, thị trường trong nước sẽ có những thay đổi như thế nào?

 

Một số lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài được rót vốn thẳng vào Việt Nam thay vì phải liên doanh với một doanh nghiệp trong nước như trước kia. Ngoài ra sẽ có rất nhiều hình thức kinh doanh mới. Ví dụ, ngành công nghiệp ôtô sẽ có nhiều lĩnh vực mới như thu hút đầu tư nước ngoài như bán hàng, phân phối và dịch vụ hậu mãi gồm cả tài trợ mua và bảo hiểm ôtô.

 

Đặc biệt, nhiều ngành nghề sẽ cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường trong nước. Chẳng hạn, hiện nay thuế nhập khẩu hàng may từ các nước ngoài ASEAN là 50%, hàng dệt 40%; khi trở thành thành viên WTO, mức thuế trên là 15%. Khoảng 94% sản phẩm công nghiệp Mỹ xuất vào Việt Nam được hưởng mức thuế từ 15% trở xuống... Đây sẽ là nguy cơ cho những doanh nghiệp lâu nay được hỗ trợ nội địa.

 

Vậy những mặt hàng nào Việt Nam có thế mạnh trong sân chơi chung?

 

Các sản phẩm chế tác có công nghệ thích hợp như đồ gỗ, nông sản chế biến sâu sẽ có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu. Thị trường mở rộng, cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp được giảm thuế khi xuất khẩu sang thị trường các nước, đặc biệt các hạn chế định lượng như quota... được bãi bỏ sẽ là đòn bẩy cho những ngành này phát triển.

 

Theo ông, cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng công nghiệp?

 

Thống nhất quan điểm và nhận thức về nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cá nhân tôi nghĩ đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không chỉ bao gồm các doanh nghiệp mà còn phải bao gồm các cơ quan và tổ chức nhà nước. Không thể cứ kêu gọi doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong khi cơ quan hành chính trì trệ.

 

Ngoài ra, cần đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Sự lựa chọn của người tiêu dùng là tiền đề cho việc xây dựng chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp chứ không phải dựa vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý như hiện nay.

 

Một vấn đề khác là đẩy nhanh hơn nữa cải cách doanh nghiệp nhà nước.

 

Theo Phong Lan

VnExpress