1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều địa phương khai vống nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết trong việc báo cáo số liệu để làm căn cứ thẩm định tiền lương của các địa phương có tình trạng: Số biên chế có mặt tại thời điểm báo cáo cao hơn số biên chế thực hiện chi trả; mức lương cơ bản theo ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp lương... báo cáo cao hơn thực tế chi trả; nguồn học phí, viện phí là số dự toán thấp hơn số thực sử dụng...

Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải mới đây đã ký công văn gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cho biết, qua kết quả thanh tra, kiểm toán tình hình thực hiện ngân sách của các địa phương những năm vừa qua đã xảy ra tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm tra kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi kinh phí cấp thừa số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách một số địa phương để thực hiện cải cách tiền lương.

Năm 2016, Nhà nước dự chi hơn 13.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương
Năm 2016, Nhà nước dự chi hơn 13.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Nguyên nhân được cho biết do một số địa phương có nhu cầu tăng thêm để thực hiện cải cách tiền lương theo mức lương cơ sở và các loại phụ cấp, trợ cấp thực tế thực hiện thấp hơn số đã báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định. Trong khi nguồn thực hiện cải cách tiền lương thực tế thực hiện lại cao hơn số báo cáo Bộ Tài chính.

Cụ thể, số liệu báo cáo để làm căn cứ thẩm định tiền lương (số biên chế có mặt tại thời điểm báo cáo cao hơn số biên chế thực hiện chi trả; mức lương cơ bản theo ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp lương... báo cáo cao hơn thực tế chi trả; nguồn học phí, viện phí là số dự toán thấp hơn số thực sử dụng...

Trước tình hình trên, tại công văn này, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra số liệu báo cáo về biên chế, mức lương theo ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo tiền lương không đúng với thực tế chi trả tiền lương ở địa phương và nguồn thực tế đã sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.

Trường hợp kinh phí Trung ương cấp bổ sung về cho địa phương thực hiện chế độ cải cách tiền lương vượt so với nhu cầu thực tế chi trả của địa phương, đề nghị thu hồi nộp trả ngân sách Trung ương.

Mặt khác, để công tác thực hiện chế độ cải cách tiền lương đi vào nề nếp, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương chấn chỉnh việc báo cáo số liệu như số biên chế có mặt tại thời điểm báo cáo, mức lương cơ bản theo ngạch bậc, chức vụ, phụ cấp lương; nguồn thực tế sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương...; thời gian báo cáo đảm bảo quy định. Từ đó, làm cơ sở cho việc thẩm định chế độ tiền lương đảm bảo đúng chính sách chế độ nhà nước ban hành.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, Nhà nước sẽ chi 13.055 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Số tiền này sử dụng vào các mục đích gồm: Tinh giản biên chế; điều chỉnh lương hưu đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động thấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, những giáo viên mầm non về hưu trước năm 1995 có lương hưu thấp sẽ được tăng thêm để bằng mức lương cơ sở. Đồng thời một phần số tiền trên sẽ hỗ trợ một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn để khi tăng lương cơ sở lên 1,21 triệu đồng/tháng từ ngày 1/5.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù thu ngân sách năm 2015 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước đó nhưng bội chi ngân sách trong năm qua cũng lên tới 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng lý giải, việc cơ cấu chi ngân sách thường xuyên ở mức 68-69% khiến cho những khoản chi khác khá hạn hẹp. Đây là những khoản chi tiền lương, tiền công, chi vật tư văn phòng, chi công tác phí, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị,...

Về vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã nhắc nhở. Phó Thủ tướng đánh giá, hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công là “quá nhiều, quá lớn” khiến mấy năm nay không tăng được lương, trong khi chất lượng và dịch vụ vẫn chưa tốt và người dân còn than phiền nhiều. Tỷ trọng chi lương cho đơn vị sự nghiệp chiếm gần 39% tổng chi lương toàn hệ thống, trong khi đó, cơ quan hành chính từ Trung ương đến xã chiếm tỷ lệ chi chưa đến 9%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm