1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản từng là... "cò đất"

(Dân trí) - Từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn TPHCM có hơn 15.000 doanh nghiệp được thành lập mới, trong số đó có gần 50% là doanh nghiệp bất động sản. Điều đáng suy ngẫm là có rất nhiều chủ doanh nghiệp xuất thân là... "cò đất".

Đó là thông tin được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đưa ra tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp mới thành lập chuyên ngành kinh doanh bất động sản do Cục Thuế TPHCM tổ chức sáng qua (6/6).

Theo ông Châu, nhiều lãnh đạo tập đoàn bất động sản hiện tại xuất thân là “cò đất” và mãi đến năm 2016 mới được công nhận chính danh là nhà môi giới. Những công ty bất động sản có tiếng tại TPHCM đều đi lên từ môi giới.

"Những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới nên am hiểu thị trường, nắm bắt cơ hội tốt nên mở rộng phát triển hoạt động doanh nghiệp. Hoạt động trong sàn môi giới là sự khởi đầu cho những bước tiến tiếp theo trong ngành bất động sản", ông Châu nói.

Hoạt động môi giới bất động sản tại TPHCM đang diễn ra tấp nập
Hoạt động môi giới bất động sản tại TPHCM đang diễn ra tấp nập

Không chỉ những "cò" nâng tầm mình lên thành doanh nghiệp bất động sản, nhiều đơn vị đã chuyển "công năng" như Coteccons từ nhà thầu đã chuyển sang đầu tư. Trái lại, cũng có nhiều đơn vị từ thi công chuyển sang tổng thầu. Nhóm kinh doanh dịch vụ bất động sản, phát triển đầu tư bất động sản cũng "nở rộ".

Trước đó, báo cáo tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm 2017, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, thành phố có 15.492 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 193.784 tỷ đồng. Nếu tính cả số doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì tổng vốn lên hơn 453.569 tỷ đồng; tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong cơ cấu nhóm doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập mới 5 tháng qua, có đến 42,6% kinh doanh bất động sản. Ngành xây dựng cũng chiếm hơn 15%. Còn lại là buôn bán, sửa chữa ô tô và xe máy, các ngành nghề khác.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp chỉ là về số lượng. Còn chất lượng là phải mở rộng ra nhóm sản xuất mới đảm bảo bền vững, tạo nên thương hiệu của thành phố. "Với tình hình đến hơn 40% là doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng qua là bất động sản thì chúng ta phải suy nghĩ”, ông Phong nói.

Công Quang