1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Nhếch nhác thế, xoá sổ chợ Long Biên là đúng!"

(Dân trí) - "Cách đây hơn 10 năm, TP.HCM đã có chợ đầu mối Thủ Đức rất đẹp và hiện đại, còn Hà Nội thì sao, chợ Long Biên vừa nhỏ vừa nhếch nhác và ô nhiễm. Sao không học tập kinh nghiệm xây dựng chợ đầu mối Thủ Đức của TP.HCM?"

Đó là ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội về thông tin Bộ Công Thương sẽ xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên trong vòng 5 năm tới.

Chợ Long Biên: Không thể để một chợ nhếch nhác giữa thủ đô hiện đại
Chợ đầu mối Long Biên (Ba Đình - Hà Nội) sẽ được xóa bỏ trong 5 năm tới theo Quyết định 6481 của Bộ Công Thương

Với tư cách của hiệp hội, ông có ủng hộ chủ trương xóa bỏ chợ Long Biên trong 5 năm tới?

Tôi ủng hộ chủ trương xóa bỏ và di dời chợ đầu mối. Nhưng theo tôi phải có bước đi thích hợp, xây xong chợ mới di dời bằng cơ chế chính sách mềm mỏng để hộ kinh doanh không bức xúc, bị ép đến chợ mới, sau đó mới cải tạo chợ Long Biên thành chợ dân sinh. 

Thêm nữa, thủ đô Hà Nội mở rộng, giờ Long Biên lọt thỏm vào nội đô, hoạt động vận chuyển, bốc, xếp dỡ của các xe vận tải, người dân buôn bán tạm bợ với nhiều dãy nhà nhỏ, thiếu các công trình vệ sinh, xử lý nước thải, chống cháy nổ và quản lý chất lượng hàng hóa… Nếu cứ để như vậy, sẽ không có lợi để hướng tới một thủ đô hiện đại được.

Mặc dù nhỏ, nhưng chợ đầu mối đang có hiệu quả rất lớn về mặt an sinh và thương mại. Các tiểu thương ở đây đang kinh doanh rất tốt. Cần lắng nghe dư luận cũng như đánh giá tác động của chủ trương này?

Chợ đầu mối có 4 tác dụng: kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh về giá, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với ngân sách, thuận tiện khâu bán lẻ và cắt bớt khâu trung gian. Như tôi nghiên cứu các chợ thành phố thuộc các nước khác, chợ đầu mối cách trung tâm thành phố 15-20 km, chứ không phải ở trong nội thành gây mất quỹ đất và gây ách tắc giao thông như hiện nay. 

Chợ đầu mối phải bố trí gồm nhà để xe, bãi xe, dịch vụ hậu cần, trung tâm kiểm nghiệm và thuận tiện cho các tỉnh đến chợ đầu mối và từ chợ đầu mối về trung tâm thủ đô. So sánh với chợ Long Biên hiện nay thì sao, chẳng lẽ 5 năm nữa, khi Thủ đô phát triển hơn nữa, lại để giữa nội thành một chợ nhếch nhác như hiện nay.

Chủ trương xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên, chuyển thành chợ dân sinh đã được nói nhiều và nay Bộ Công Thương mới công bố. Theo tôi, thời hạn 5 năm là đủ để cho người kinh doanh, tiểu thương tại chợ sắp xếp các phương án tốt nhất.

Hà Nội đã từng thất bại khi xây dựng mới các chợ dân sinh như Cửa Nam, Việt Hưng, Hàng Da… Thậm chí một số chợ đầu mối được xây dựng như Bắc Thăng Long cũng rất kém hiệu quả. Xây dựng chợ mới vừa mất tiền vừa thiếu hiệu quả?

Đúng là Hà Nội đã có những kinh nghiệm đắt giá ở chợ Hàng Da, Cửa Nam, Việt Hưng hay chợ tạm Ngã Tư Sở… Ở đây là lỗi ở quy hoạch cũng như quản lý vận hành. Từ thiết kế, quy hoạch, giá vào chợ, phí thuế phải làm rõ ra, thậm chí phải xin ý kiến của dân để người ta góp ý cho, chứ không phải ý tưởng tương lai của các nhà hoạch định quy hoạch chính sách, áp đăt xa vời thực tiễn thì sẽ thất bại.

Tuy nhiên, những chợ trên là chợ dân sinh, chợ nhỏ trong nội thị nơi có trăm người mua, vạn người bán nên nếu anh không có chỗ tốt, không thể cạnh tranh với chợ vỉa hè, hàng quán lề đường. Còn chợ đầu mối chỉ có mấy cái thôi, để rút kinh nghiệm, phải đi thực tế, lắng nghe người dân, chủ thương rồi kết hợp với các cơ quan nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế để đặt chợ ở đâu cho phù hợp. 

Việt Nam đã có kinh nghiệm xây dựng chợ đầu mối hay chưa? Cần học tập kinh nghiệm gì của nước ngoài, thưa ông?

Hơn 10 năm về trước, TP.HCM đã xây dựng chợ đầu mối Thủ Đức rất thành công, họ quy hoạch chợ này hơn 200.000 m2. Họ đưa chợ này ra ngoài thành phố cách nội thị TP.HCM hàng chục km, ngay cạnh quốc lộ 1A, sát tỉnh Bình Dương. Tại chợ có hệ thống xếp dỡ và trữ hàng hóa hàng chục nghìn tấn nông sản mỗi ngày đủ cung ứng cho TPHCM trong nhiều ngày liền.
 
Kinh nghiệm của nước ngoài mà Việt Nam nên học đó là Thái Lan, chợ đầu mối  của thủ đô Bangkok rộng 18ha, cách Bangkok 17 km, có trung tâm kiểm nghiệm hóa học, sinh học, kiểm tra động thực vật rộng 200m2. Các hàng hóa vào thành phố bắt buộc phải qua chợ và qua các trung tâm này, nếu phát hiện bất thường, họ tiêu hủy ngay.

Đừng nói chợ đầu mối chỉ là chợ không, mà nơi đây còn có cả bãi đỗ xe lớn, dịnh vụ sửa xe, nhà vệ sinh…thậm chí là ngân hàng họ đều có để thuận tiện giao dịch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm