Nhật bất ngờ tung 126 tỷ USD kích thích kinh tế

(Dân trí) - Trong một động thái khá bất ngờ Ngân hàng trung ương Nhật vừa quyết định mở rộng quy mô chương trình mua tài sản thêm 10.000 tỷ Yên, tương đương khoảng 126 tỷ USD. Điều đó cho thấy cơ quan này vẫn khá bi quan về triển vọng kinh tế Nhật.

Thông tin trên vừa được Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) công bố ngày 19/9 tại Tokyo. Với 10.000 tỷ Yên tăng thêm, tổng quy mô của chương trình mua tài sản và cấp vốn cho các ngân hàng BOJ đã lên tới 80 nghìn tỷ Yên.

Kinh tế Nhật thời gian qua vẫn chưa khởi sắc
Kinh tế Nhật thời gian qua vẫn chưa khởi sắc

Số tiền tăng thêm này sẽ chủ yếu được dùng để mua trái phiếu chính phủ Nhật cùng hối phiếu chiết khấu của Bộ Tài chính. Ngay sau khi thông tin trên được công bố thị trường chứng khoán Nhật đồng loạt tăng điểm. Chốt phiên giao dịch 19/9, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,19% trong khi đồng Yên mất giá 0,5% xuống còn 79,17 Yên đổi 1 USD.

Với động thái này, BOJ đã trở thành ngân hàng trung ương lớn thứ ba trên thế giới tung tiền kích thích kinh tế. Trước đó Cục dự trữ liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương châu Âu đã liên tiếp công bố việc “bơm” tiền với quy mô không hạn chế để vực dậy đà tăng trưởng. Ngoài ra Ủy ban cải cách và phát triển kinh tế của Trung Quốc hồi đầu tháng cũng đã quyết định chi 157,7 tỷ USD để kích thích đầu tư.

Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ có một cuộc chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ trên khắp thế giới, bởi không ai muốn đồng tiền nước mình bị lên giá quá cao, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

“Cho dù các ngân hàng trung ương có muốn hay không thì vẫn đang có một cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ trên khắp thế giới”, Izuru Kato, nhà kinh tế trưởng của hãng nghiên cứu Totan Research tại Tokyo nhận định. Chuyên gia này cho rằng BOJ không muốn bị xem là “miễn cưỡng phải tham gia cuộc đua” bởi nguy cơ đồng Yên lên giá sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế Nhật.

Cùng với việc tung tiền mua tài sản BOJ cũng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cực thấp là 0 – 0,1%/năm và duy trì lượng trái phiếu mua vào mỗi tháng ở 1800 tỷ Yên. Nhận định về tình hình kinh tế, BOJ cho rằng tăng trưởng của Nhật Bản đã “tạm dừng” trong khi các nền kinh tế trên thế giới “đang lún sâu hơn vào giai đoạn giảm tốc”.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ hôm nay là mạnh hơn dự đoán và rất được chính phủ chào đón. Thời gian qua nhiều nhà lập pháp tại nước này đã yêu cầu BOJ phải hành động quyết liệt hơn để kích thích tăng trưởng, ngăn giảm phát.

Các định chế tài chính lớn trên thế giới như JPMorgan Securities, Credit Suisse Group AG và BNP Paribas dự báo kinh tế Nhật trong quý này sẽ suy thoái sau khi chỉ tăng trưởng ở mức 0,7% trong quý trước. Qúy I, kinh tế Nhật tăng trưởng 5,3%.

“Những động thái nới lỏng chính sách tiếp theo trong năm nay là hoàn toàn có thể diễn ra bởi BOJ đang chú trọng vào những bất ổn trong nhận xét về triển vọng”, Masamichi Adachi, nhà kinh tế cấp cao của JPMorgan Securities tại Tokyo nhận định.

Hiện những thách thức với kinh tế Nhật càng tăng cao do tranh chấp về biển đảo với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Những tập đòan hàng đầu của Nhật như Toyota, Honda, Nissan đều đã phải tạm ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở Trung Quốc từ đầu tuần trong khi Panasonic cho biết một nhà xưởng bị người biểu tình đập phá.

Cùng lúc đó việc đồng Yên lên giá và đạt mức cao nhất 7 tháng qua hôm 13/9 sau khi Fed tung tiền càng khiến hàng hóa của Nhật trở nên đắt đỏ. “Chúng tôi lo ngại về tốc độ tăng giá của đồng Yên và cảm giác khủng hoảng đang đến ngày một tăng”, Akio Toyoda, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật, đồng thời là CEO của Toyota phát biểu hôm 14/9. “Chúng tôi rất hy vọng chính phủ và BOJ có thể hợp tác chặt chẽ và hành động mau lẹ để điều chỉnh giá trị đồng Yên”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg