1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EU bơm tiền không hạn chế “giải cứu” kinh tế

(Dân trí) - Quyết định trên vừa được chính Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi công bố. Điều đó có nghĩa là ECB đã quyết định khởi động cỗ máy in tiền để giúp các quốc gia thành viên có thể trang trải nợ nần.

Trong phát biểu trước báo giới sau phiên họp về chính sách tiền tệ của ECB, ông Mario Draghi khẳng định “đồng Euro không thể biến mất” và rằng sẽ cung cấp ngân sách với quy mô không giới hạn để mua lại trái phiếu các chính phủ.

Chủ tịch ECB Mario Draghi quyết định sẽ “bơm” tiền không hạn chế
Chủ tịch ECB Mario Draghi quyết định sẽ “bơm” tiền không hạn chế

Chương trình mua trái phiếu có tên “Giao dịch tiền tệ mua đứt bán đoạn” (Monetary Outright Transactions hay MOT). MOT “sẽ cho phép chúng ta khắc phục những bất ổn trên thị trường trái phiếu chính phủ vốn xuất phát từ những lo ngại không có cơ sở từ phía các nhà đầu tư về khả năng đồng Euro có thể bị thu hồi”, ông Draghi nói.

“Khi có các điều kiện phù hợp, chúng ta có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả để tránh những viễn cảnh tiêu cực có thể làm phức tạp thêm những thách thức về ổn định giá cả trong khu vực đồng Euro”. Những tháng gần đây lợi suất trái phiếu của chính phủ Tây Ban Nha và Italia đã tăng mạnh làm dấy lên những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng.

Vị chủ tịch ECB khẳng định, cơ quan này sẽ chỉ mua trái phiếu với kỳ hạn còn lại tối đa không quá 3 năm, quy mô không bị giới hạn miễn là quốc gia thành viên đó đã tham gia một chương trình được nhóm các nước sử dụng đồng euro chấp thuận. Các hoạt động mua trái phiếu này sẽ được trung hòa, có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ hút về toàn bộ lượng thanh khoản đã được bơm ra và cung tiền trên thị trường không bị ảnh hưởng.

Các quốc gia thành viên eurozone có thể chọn một trong hai cách đó là xin giải cứu toàn diện hoặc chọn một chương trình thận trọng. Ông Draghi cho biết hoạt động mua trái phiếu của ECB sẽ tuân thủ những điều kiện chặt chẽ và phối hợp với Công cụ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và quỹ giải cứu mới của eurozone có tên Cơ chế ổn định châu Âu (ESM). ECB sẽ đề nghị Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tham gia hỗ trợ thiết kế và giám sát bất kỳ chương trình cứu trợ nào.

Người đứng đầu ECB cũng khẳng định sẽ thu hồi những quy định gần đây về việc các quốc gia thành viên phải có tài sản thế chấp nếu muốn vay tiền. Thay vào đó cơ quan này sẽ chấp thuận mọi loại trái phiếu do các chính phủ khu vực đồng euro phát hành hoặc bảo lãnh.

Nhận định về quyết định của ECB, nhà kinh tế trưởng của HSBC Trinkaus cho rằng: “Một đợt cắt giảm lãi suất có thể dễ hiểu hơn với tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên ECB muốn chỉ rõ nguy cơ chính trước đó là rủi ro hoán đổi và họ muốn cố gắng kiểm soát bằng một chương trình mua trái phiếu mới nếu các chính phủ cùng chấp thuận”.

Trước khi công bố quyết định này, ECB khẳng định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,75% như hiện nay. Đồng thời cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2012 xuống mức -0,4% thay cho mức -0,1% trước đó, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP của khu vực trong năm 2013 vào khoảng 0,5%, chỉ bằng một nửa dự báo hồi tháng 6. Trái lại lạm phát dự kiến sẽ ở mức 1,9%, cao hơn dự báo 1,6% trước đó.

Sau khi đón nhận thông tin trên, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm mạnh mẽ. Tính tới 22h ngày 6/9 (giờ Việt Nam) đi lên mạnh nhất là chỉ số CAC 40 của Pháp với mức tăng 2,81%. Các chỉ số FTSE của Anh và DAX của Đức lần lượt bật 2,05% và 2,76%.

Thanh Tùng
Theo CNBC và Bloomberg