1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhật Bản "trượt dài" trong suy thoái, nhưng chưa phải là điều tồi tệ nhất

(Dân trí) - Mặc dù đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nhưng có lẽ đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất của Nhật Bản. Các nhà phân tích dự báo, GDP của Nhật Bản sẽ giảm kỷ lục 21,5% trong quý 2 này.

Nhật Bản trượt dài trong suy thoái, nhưng chưa phải là điều tồi tệ nhất - 1

Người dân Nhật Bản đi làm bên ngoài nhà ga Tokyo vào thứ 2. Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái trong suốt ba tháng vừa qua và khả năng phải tiếp tục chịu ảnh hưởng vào quý 2 này.

Nền kinh tế Nhật Bản đã chìm trong suy thoái kinh tế vào quý trước, và có khả năng tồi tệ hơn nữa khi các hộ gia đình hạn chế chi tiêu cho các nhu yếu phẩm và các công ty cắt giảm đầu tư, sản xuất cũng như nhân công để duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch virus corona.

Số liệu của Văn phòng Nội các cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước của Nhật Bản đã giảm 3,4% hàng năm trong quý 1 năm nay so với quý trước khi xuất khẩu giảm và chi tiêu xã hội bị xáo trộn.

Mặc dù kết quả trên có phần tốt hơn một chút so với mức giảm dự kiến 4,5% nhưng các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng điều tồi tệ hơn nữa có thể sẽ đến với Nhật Bản trong quý 2 này.

Hai quý liên tiếp sụt giảm GDP cho thấy Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - đang rơi vào suy thoái ngay cả trước khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia bởi đại dịch Covid-19 vào tháng 4.

Các nhà phân tích dự đoán, nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 21,5% trong quý 2 này, và nếu điều này thực sự xảy ra thì đó sẽ là con số sụt giảm kỷ lục trong suốt 65 năm qua.

Chuyên gia kinh tế Takeshi Minami tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết, chắc chắn kinh tế của Nhật Bản trong quý này sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Các công ty trên khắp cả nước đều đang cố gắng vật lộn để đảm bảo được nguồn vốn và điều đó cho ta thấy rằng đầu tư kinh doanh vẫn sẽ trong tình trạng yếu kém, kèm theo sự lo ngại gia tăng của những người công nhân về vấn đề tiền lương.

Áp lực dồn nén đối với các nhà chức trách

Cuộc khủng hoảng về kinh tế bởi Covid-19 đã gây áp lực lớn lên các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường các biện pháp cứu trợ và kích thích, với số tiền cứu trợ kỷ lục 117 nghìn tỷ yên - chiếm hơn 20% GDP của đất nước.

Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, phát biểu hôm thứ 2 sau báo cáo GDP, cho biết: Chính phủ đang đặt mục tiêu thông qua một gói cứu trợ thứ hai.

Khoản tiền này dự kiến sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và trợ cấp lớn hơn cho các công ty không sa thải nhân viên. Nhưng khoản tiền hỗ trợ khổng lồ này cũng sẽ khiến cho khoản gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới của nước này gia tăng.

Trong những ngày gần đây, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã giảm mạnh và chính phủ tuần trước đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 39 trong số 47 quận, mặc dù Tokyo và các trung tâm kinh tế khác vẫn còn bị hạn chế.

Theo nhà kinh tế Taro Saito tại Viện nghiên cứu NLI, cho đến khi các yêu cầu cách ly được dỡ bỏ, các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể thúc đẩy tăng trưởng cho dù chi bao nhiêu tiền.

Ông Saito cũng chia sẻ thêm: “Cho đến bây giờ, chính phủ phải chi tiền để ngăn chặn những vấn đề về mất việc và phá sản. Họ cần tập trung vào đảm bảo tài chính của các doanh nghiệp ngay bây giờ”.

Xuất khẩu cũng giảm mạnh

Một trong những yếu tố chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản là xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách lại không có nhiều quyền kiểm soát đối với nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản, và với tình hình hiện tại, xuất khẩu Nhật Bản có thể sẽ bị suy giảm trong một thời gian dài.

Các báo cáo vào hôm thứ 2 đã cho thấy, xuất khẩu Nhật Bản bị sụt giảm 6% trong quý trước. Dự báo doanh thu từ các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác cho thấy sự suy giảm có thể sẽ rất mạnh. Toyota đã báo cáo lợi nhuận giảm 80% trong năm tài chính này.

Tình hình trong nước ảm đạm

Theo ông Minami - chuyên gia kinh tế của Norinchukin: “Chi tiêu trong nước cũng không có khả năng hồi phục nhanh ngay cả sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vì triển vọng về lợi nhuận và tiền lương của người lao động vô cùng ảm đạm”.

Theo các số liệu thống kê, vào quý trước, tiêu dùng tư nhân đã giảm 0,7%, và sự sụt giảm này có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần.

Du lịch cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nền nhất bởi Covid-19, theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, số lượng khách du lịch tại Nhật Bản trong thời gian gần đây đã giảm đi rõ rệt. Chi tiêu của du khách cũng giảm 42% trong quý trước.

Trên cơ sở phi tập trung, ta có thể thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đã giảm 0,9% so với quý trước. Liệu Nhật Bản có thể khôi phục được nền kinh tế của mình trong năm nay không, có lẽ đó là một vấn đề sống còn đối với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Thùy Dung

Theo JapanTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm