Nhật - Ấn - Úc bắt tay lập chuỗi cung ứng đối phó Trung Quốc?
(Dân trí) - Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hướng tới một liên minh ba bên mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 với sức tàn phá khủng khiếp đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Và để phòng một “tai họa” khác trong tương lai tương tự Covid-19, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể sẽ chính thức hợp tác ba bên để bảo vệ các chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Ấn Độ, Nhật Bản và Úc chính thức bắt đầu các cuộc thảo luận về Sáng kiến Phục hồi Chuỗi cung ứng (SCRI) nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
SCRI – “Hòn đá lót đường” hướng tới khôi phục kinh tế
Sáng kiến này do Nhật Bản khởi xướng, được cho là đang dần thành hình. Chính phủ 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang bàn bạc kế hoạch cho cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng thương mại, dự kiến diễn ra trong tuần tới. Họ sẽ thảo luận thêm nữa trong suốt hội nghị thượng đỉnh Nhật - Ấn vào đầu tháng 9 tới.
Nhật báo Ấn Độ Economic Times cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản gần đây đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải thúc đẩy sáng kiến này càng sớm càng tốt, có thể là trong tháng 11 tới.
Đề xuất của Nhật Bản về SCRI sẽ có 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để biến nơi này trở thành “đầu tàu về kinh tế”. Thứ hai là xây dựng mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa các nước đối tác.
Các nhà ngoại giao cho biết tại hội nghị thượng đỉnh này, có thể Nhật Bản sẽ thảo luận khả năng chuyển một số đơn vị sản xuất của nước này sang Ấn Độ.
“Covid-19 đã cho 3 nước thấy được cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sáng kiến này có thể sẽ là hòn đá lót đường hướng tới khôi phục kinh tế khu vực và thúc đẩy tái phân phối quyền lực khu vực ra khỏi Trung Quốc” - chuyên gia Jagannath Pand thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi nhận định.
Giáo sư Mark Goh tại Đại học Quốc gia Singapore nói rằng, nếu được triển khai đầy đủ, sáng kiến trên sẽ liên kết tất cả quan hệ song phương riêng lẻ giữa các quốc gia. Đồng thời, cuối cùng sáng kiến có thể được mở rộng để đưa cả 10 nước ASEAN tham gia.
Nhiều bất hòa trong mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia
Thời gian gần đây, cuộc đụng độ giữa biên giới Ấn Độ - Trung Quốc khiến cho 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong đã đẩy căng thẳng quan hệ giữa hai nước lên đỉnh điểm. Nhiều cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, biểu tình tại Ấn Độ cùng nhiều chính sách “trị” Trung được thông qua.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc ngày càng căng thẳng do tranh cãi về việc điều tra nguồn gốc của virus corona. Cũng vì các quan ngại về an ninh và minh bạch thông tin liên quan tới Covid-19, Úc và Mỹ đã ký một thỏa thuận nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng về đất hiếm – một nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghiệp.
Trước đó, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.