1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhập nhèm nấm linh chi

Với giá chênh từ 1/2 - 1/3 so với sản phẩm xịn, nấm linh chi không rõ xuất xứ được đóng mác Hàn Quốc bán phổ biến ở trên mạng, chợ Đồng Xuân (HN). Nếu không tinh ý, người tiêu dùng có thể mua phải nấm chất lượng kém do để lâu đã mục hoặc đã bị chiết xuất hoạt chất.

Bao bì ghi made in
 Bao bì ghi "made in Korea" nhưng người bán khẳng định đây là hàng Trung Quốc tráo mác

 

Cẩn thận hàng ‘tráo mác’

 

Tại chợ Đồng Xuân (HN), chỉ cần hỏi nấm linh chi là được các tiểu thương chuyên bán đồ khô ở đây đưa ra 3,4 loại để giới thiệu. Chị P.Dân, một tiểu thương chuyên bán đồ thảo dược tại đây cho biết, nấm linh chi hiện nay có nhiều loại khác nhau. Ngoài các loại linh chi nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc, tại Việt Nam còn có linh chi trồng và linh chi mọc hoang được người dân khai thác. Theo chị P.Dân, linh chi Hàn Quốc và Trung Quốc rất giống nhau nên nếu không tinh ý người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.

 

Mang xuống chào hàng 3 loại linh chi được bao gói khác nhau , chị P.Dân nhìn PV hỏi: “em mua để làm gì?”, khi PV trả lời là mua để sử dụng, chị này liền nói nhỏ: “ Chị có 3 loại, 1 loại được đóng vào khay tre trông rất đẹp mắt, giá 700.000đ/kg, 1 loại được bao gói rất “xịn”, dập mác Hàn Quốc hẳn hoi giá 680.000đ/kg và 1 loại đóng túi thông thường, loại này chị bán đắt hơn vì đây là linh chi được lấy từ Sapa bán 750.000đ/kg. Nhưng chị nói thật, không có hàng xịn đâu, có hàng Trung Quốc cả đấy, nếu em mua về dùng thì nên mua linh chi của Sapa cho đảm bảo”.

 

Thắc mắc với chủ cửa hàng về việc bao gói có chữ “made in Korea” trên bao bì túi nấm linh chi, chị P.Dân liền cho biết, chỉ có người mua nhầm chứ người bán không nhầm, “giá mỗi kg nấm linh chi Hàn Quốc xịn cũng có giá từ 1,5 – 2,6 triệu/kg, ở đây chỉ bán bằng ½ thậm chí 1/3 thì đương nhiên không phải hàng chuẩn rồi. Chuyện bao gói chỉ là chuyện nhỏ, người ta còn dập được cả chữ vào thân nấm, chứ mấy cái bao bì này thì đáng tin gì”, chị P.Dân thẳng thắn.

 

Theo một số tiểu thương khác ở đây, hàng xách tay cũng không đáng tin cậy. Chị Hồng chủ cửa hàng H.Thành cho biết: “ Người ta có thể đặt hàng, đóng mác Hàn Quốc y như mẫu xịn rồi bán trên mạng, bọn chị ở đây biết mặt biết tên nên hàng thế nào cứ nói thế, giá thì giá chung rồi, muốn bán đắt cũng chả được. Chị còn biết có đứa mua hàng Trung Quốc về rồi giao bán giá gấp đôi trên mạng đấy, ai không biết mua phải thì chịu thôi, hàng bọn chị toàn lấy chung 1 mối”. Khi hỏi về người bán hàng trên mạng chị Hồng vừa đề cập, chị từ chối không trả lời.

 

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, nấm linh chi được đóng mác Hàn Quốc được bán ở chợ đầu mối Đồng Xuân cũng có nhiều loại khác nhau. Tùy theo nhu cầu khách mà các tiểu thương ở đây tư vấn cho từng loại. Mua để biếu tặng thì cần những sản phẩm được bao gói đẹp mắt, còn mua về bán thì nhất thiết phải được đóng gói bằng bao bì xịn. Theo bật mí của chị P.Dân, việc tráo mác, đóng gói bao bì chả cần phải sang Trung Quốc, chủ hàng mua linh chi đóng bao sau đó về Việt Nam mới đóng thành từng gói nhỏ.

 

Bỏ tiền triệu mua xác nấm

 

Bác Vũ Ngọc Trường (Ngõ 264 Hoàng Hoa Thám, HN), người vừa “dính quả lừa” khi mua nấm linh chi trên mạng. Theo lời bác Trường kể, nghe bạn bè giới thiệu về công dụng của loại nấm linh chi Hàn Quốc rất tốt, thông qua người quen bác mua 1kg nấm linh chi được quảng cáo là hàng xách tay từ Hàn Quốc về với giá 1,6 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, nấm bác Trường mua được cho là hàng giả và có nhiều khả năng nấm đã được hút hết tinh chất. Đi tìm sự thật, bác gửi mẫu nấm đến một người bạn có chuyên môn nhờ kiểm tra, và kết quả 1kg nấm linh chi Hàn Quốc của bác Trường chỉ là…xác nấm.

 

“Tôi rất bất ngờ vì nhìn bao bì đóng gói rất xịn, 100% chữ Hàn Quốc lại được người quen giới thiệu… ai ngờ đâu lại là xác nấm”, bác Trường nói.

 

Không chỉ có bác Trường bị nhầm lẫn, hiện nay, nhiều nơi quảng cáo bán nấm linh chi “rừng” hoặc “tự nhiên” nhưng phần lớn là những loài gần gũi trong chi Ganoderma hoặc các loài nấm thuộc chi Phellinus, Fomes... Thực tế linh chi tự nhiên không còn nhiều do khai thác cạn kiệt từ hơn 20 năm nay.

 

1kg nấm linh chi được gắn mác Hàn Quốc có thể đội giá lên gấp 3 lần so với nấm Trung Quốc

 

Theo bà Phạm Thanh Huyền, trưởng phòng Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu, nấm linh chi Trung Quốc đã qua chiết xuất tràn về Việt Nam ngày càng nhiều. Các loại nấm này thực tế chỉ còn là xác nấm vì toàn bộ các thành phần dinh dưỡng và tinh chất đã bị rút hết. Do vậy người tiêu dùng cũng cần lưu ý việc có thể mua phải linh chi đã bị chiết xuất hết chất bổ dưỡng, dù hình dáng bên ngoài không có gì thay đổi.

 

Theo bà Huyền người tiêu dùng chỉ nên mua linh chi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được nuôi trồng chuyên nghiệp vì chất lượng ổn định, có hiệu quả. Linh chi chất lượng tốt thì hai mặt không bị mọt, mặt dưới có màu từ vàng chanh nhạt đến trắng. Mặt dưới linh chi màu vàng nghệ thường không tốt, vì đó không phải là màu tự nhiên của nấm.

 

“Hầu như nấm linh chi cũ đều mất đi độ bóng mặt trên của nấm. Nhìn kỹ sẽ thấy nấm có những lỗ tròn bằng đầu kim do bị mọt đục. Nếu sử dụng loại nấm này người dùng dễ bị dị ứng do mọt và phân mọt còn lại trong nấm. Với nấm Hàn Quốc kém chất lượng, người dùng hay gặp phải tình trạng mốc xanh hoặc mốc hoa cau gây đau bụng, tiêu chảy. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng phải xem thật kỹ để tránh mua phải hàng mất chất”, bà Huyền lưu ý.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Chính - thành viên mạng lưới nấm quốc tế, để nhận biết được nấm linh chi tốt, cần phải phân tích cụ thể các thành phần và tinh chất có trong loại nấm. Tuy nhiên, hình dáng và màu sắc cũng có thể nói lên được phần nào về chất lượng. Nấm linh chi tốt không hẳn là phải to bản mà cần phải dày và chắc. Nấm nên dày từ 1 - 3cm, khó bị vỡ thành nhiều mảnh khi dùng tay bẻ. Với nấm linh chi nấu nước uống, nên chọn loại có đường kính 8 - 20cm vì lúc này, nấm chưa bị hóa gỗ hoàn toàn, còn nhiều tinh chất. Khi mở ra khỏi bao bì, nấm phải có mùi thơm, không bị mốc hay mọt ở hai mặt. Đặc biệt, loại nấm ngon, bổ phải còn nguyên lớp bào tử trên mặt nấm.

 

Theo Uyên Chi

VietQ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm