Nhập khẩu thép phế liệu gặp khó

Theo phản ánh của Hiệp hội Thép, hàng trăm container thép phế đang bị ứ đọng tại cảng Hải Phòng do vướng quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Trong khi doanh nghiệp tìm mọi cách để hải quan linh động cho nhập từng chuyến thì hàng nghìn tấn sắt phế vẫn đổ về cảng và đang có nguy cơ ùn tắc gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì chi phí lưu kho và nỗi lo phải tái xuất toàn bộ lô hàng.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường, chỉ những tổ chức, cá nhân có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu, bảo đảm các điều kiện về môi trường trong quá trình lưu trữ, đồng thời có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu mới được nhập loại hàng này.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết, quy định như trên đã làm khó các nhà nhập khẩu và sản xuất bởi chẳng có doanh nghiệp thương mại nào có kho bãi và năng lực xử lý tạp chất nên mỗi khi hàng hoá vào cảng, đều phải nằm chờ xem xét.

Giám đốc thép Hoà Phát phân trần, mỗi tháng, công ty của ông nhập khẩu khoảng 10.000 tấn thép phế nhưng chỉ đủ tiền để mở L/C đối với 50% số lượng, phần còn lại phải nhờ đến các công ty thương mại. Tuy nhiên, khi chiểu theo quy định, chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng 2 điều kiện trên mới được thông quan.

Hiện tại, Hòa Phát bị tắc khoảng 100 container đang lưu kho tại cảng Hải Phòng trong tình trạng quá hạn 15-20 ngày. Mỗi ngày phát sinh chi phí lưu kho quá hạn 6-12 USD/container. Mỗi container chứa được khoảng 23-24 tấn, như vậy mỗi tấn thép phế, doanh nghiệp phải chịu thêm khoảng 0,5 USD/ngày.

Đại diện VSA cho biết, tình trạng này xảy ra hơn 1 năm qua. Những doanh nghiệp luyện phôi bằng lò điện từ nguồn thép phế như thép Thái Nguyên, Miền Nam, Đà Nẵng khi nhập khẩu thông qua uỷ thác đối với các doanh nghiệp thương mại đều bị ách tắc tại cảng.

Theo một số doanh nghiệp, khi quyết định trên mới ra đời, điều kiện đưa ra là chỉ có doanh nghiệp nào sản xuất mới được phép nhập khẩu thép phế. Tuy nhiên, do bị phản ứng vì đã hạn chế quá mức quyền buôn bán của các doanh nghiệp thương mại trong lĩnh vực này nên quyết định đã điều chỉnh mở rộng thêm.

Trên thực tế, với những doanh nghiệp thương mại nhập uỷ thác, sau khi hàng về cảng, họ có thể bàn giao luôn cho nhà sản xuất. Ngành môi trường có thể kiểm tra trực tiếp tại kho chứa của nhà sản xuất. Vả lại, sau khi kết thúc hợp đồng, đương nhiên toàn bộ lô hàng phải có mặt tại kho bãi của nhà sản xuất, không lẽ công ty thương mại lại còn muốn mang đi đâu?

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất rất muốn nhập thật nhiều hàng nhưng vì năng lực tài chính không đủ nên họ cần chia sẻ gánh nặng này từ các nhà thương mại. Đa số ngân hàng khi cho các doanh nghiệp sản xuất vay tiền nhập khẩu thép phế đều quy định hạn mức cụ thể trên mỗi lô hàng. Vì thế, muốn nhập đủ 100% lô hàng, họ buộc phải nhờ các nhà thương mại.

Trong Quy hoạch ngành thép được Chính phủ phê duyệt năm 2001, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh sản xuất phôi thép để giảm phụ thuộc nhập khẩu mỗi năm 2 triệu tấn phôi. Cũng vì thế mà hiện nay, 6 dự án sản xuất phôi bằng lò điện từ thép phế có tổng công suất trên 3 triệu tấn/năm đã chuẩn bị đi vào hoạt động.

Trong vài tháng tiếp theo, lượng nhập khẩu thép phế sẽ dồn về ngày càng nhiều. Nếu không được giải toả vướng mắc, rất có thể, cảng Hải Phòng sẽ bị ngập bởi hàng núi container thép phế.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy