Nhập khẩu lợn Thái Lan về không có lãi, doanh nghiệp muốn bỏ cuộc

Khác với dự tính ban đầu, việc nhập khẩu lợn từ Thái Lan không mang lại lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp được phép nhập khẩu lợn từ Thái Lan đang muốn bỏ cuộc.

Nhập khẩu lợn Thái Lan về không có lãi, doanh nghiệp muốn bỏ cuộc - 1

Doanh nghiệp không mấy mặn mà

Cách đây 1,5 tháng, ông Phạm Trần Sum - Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế Việt Đức, dự định nhập khoảng gần 1 triệu con lợn thịt từ Thái Lan về Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm đưa ra thị trường, một mặt mang lại lợi nhuận cho công ty, một mặt chung tay cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tăng nguồn cung thịt lợn.

Thế nhưng, kể từ khi lô hàng đầu tiên với 2.000 con lợn được nhập về đến nay, đã hơn 1 tháng trôi qua doanh nghiệp Việt Đức chưa thể nhập được thêm con lợn nào.

“Giá lợn tại Thái Lan cao quá. Nguồn cung bên đó không thiếu, nhưng do yếu tố tâm lý các trang trại đều tăng giá bán. Nếu tính tất cả chi phí, giá về đến các trại cách ly Việt Nam đã lên đến khoảng 84.000 đồng/kg” – ông Phạm Trần Sum chia sẻ.

Thông tin tới PV trong tuần này sẽ nhập thêm về Việt Nam khoảng 2.000 con lợn thịt, nhưng ông Sum không mấy hứng khởi: “Chúng tôi rất muốn nhập lợn về, nhưng nếu việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại”.

Theo ông Sum, do giá lợn hơi tại Thái Lan tăng quá nhanh, nhiều chi phí, khi về đến Việt Nam gần như thương nhân không có lãi. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở mức "nghe ngóng", hoặc nhập khẩu theo kiểu “nhỏ giọt”, nhiều doanh nghiệp muốn bỏ cuộc dù nguồn cung Thái Lan luôn ổn định khoảng 7 triệu con lợn thịt để xuất khẩu.

Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An đã làm xong thủ tục nhập khẩu chính ngạch thêm 1.300 con lợn từ Thái Lan về Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty không mấy phấn khởi.

“Với mức giá này, chúng tôi nhập khẩu chủ yếu để công nhân có việc làm và xe hàng không phải nằm chờ không ở biên giới, chứ rất khó có lợi nhuận, thậm chí nếu để lợn bị ốm, là lỗ nặng” – ông Thành mệt mỏi nói.

Bà Lê Thị Hằng, một thương nhân nhập khẩu lợn từ Thái Lan cũng cho hay, nhập khẩu lợn không cho lãi, nên bà đang chờ giá giảm mới dám nhập tiếp.

"Giá lợn ở Thái Lan quá cao, trong khi về nước giá của C.P cũng chỉ 84.000 đồng/kg. Bán với giá đó doanh nghiệp không có lãi" - bà Hằng phân tích.

Nhập khẩu lợn Thái Lan về không có lãi, doanh nghiệp muốn bỏ cuộc - 2

Khử trùng lô lợn nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. Ảnh: Văn Giang

Giá lợn sẽ giảm từ quý 4/2020?

Theo ông Phạm Trần Sum, đến thời điểm này công ty của ông đã nhập khẩu 1 vạn con lợn giống, ngoài ra ông còn nhập giúp một số doanh nghiệp khác khoảng 1 vạn con nữa, tổng đàn nái của doanh nghiệp Việt Đức về cơ bản đáp ứng được yêu cầu tái đàn.

"Với 2 vạn con nái này, dự tính sau khoảng 7 tháng là sinh sản. Nguồn cung về lợn sẽ cơ bản giảm được áp lực" - ông Sum cho biết.

Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu trên 10.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà, bảo đảm đủ giống cho giai đoạn 2021 – 2024. Đối với lợn giống bố mẹ, các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu 400.000 con, hiện đã nhập được 6.000 con.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện các địa phương đang đẩy mạnh tái đàn, khoảng đến quý 4/2020, áp lực về nguồn cung thịt lợn sẽ giảm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, giá lợn hơi chưa thể giảm trong quý 4 năm nay.

Nếu như chúng tôi mua thẳng của các trại, chi phí xét nghiệm chỉ khoảng 2-3 bạt Thái Lan (THB), nhưng nếu mua qua 13 doanh nghiệp đã được cơ quan thú y 2 nước cấp phép, chi phí cho 1 lần xét nghiệm lên đến 5 THB (ngày 20.7, tỉ giá trung bình 1 THB = 724,86 VND-PV).

(Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An)