Nhân viên ngân hàng... rất khổ

Kinh tế khó khăn, cạnh tranh khốc liệt khiến cho công việc của các nhân viên ngân hàng ngày càng vất vả, đặc biệt thời điểm cuối năm phải căng sức ra để hoàn thành kế hoạch với cấp trên.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Nguyễn Văn Hải, nhân viên thời vụ một ngân hàng (NH) quốc tế tại TP HCM, cho biết để trụ được ở vị trí này suốt 7 tháng qua, mỗi tháng anh phải phát hành được 5 thẻ tín dụng mới. Nếu không đủ chỉ tiêu 3 tháng liên tục phải tự viết đơn xin nghỉ.

Riêng tháng 12, chỉ tiêu tăng lên 7 khách hàng mở thẻ tín dụng mới càng khiến Hải chạy “mờ mắt”. Không chỉ vận dụng đủ mối quan hệ từ bạn bè, người thân, anh còn đến các văn phòng cao ốc, trung tâm thương mại chủ động tiếp thị, mời mở thẻ… nhưng không hề dễ. Điều kiện để mở thẻ tín dụng với hạn mức từ 20 triệu đồng là khách hàng phải có thu nhập từ 7,2 triệu đồng/tháng trở lên, có hợp đồng lao động, sao kê lương 6 tháng gần nhất, có hộ khẩu TP HCM… “Tìm được khách hàng đã khó, tìm được người đủ điều kiện rồi phải tìm tới tận nơi khách hàng làm, chở họ ra NH nơi nhận lương qua thẻ sao kê, rồi chầu chực lấy thông tin... nói chung là rất khổ” - nhân viên này phân trần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ tính riêng bộ phận nhân viên thời vụ như Hải, NH này đã có khoảng 200 người, cộng thêm từ 150 - 200 cộng tác viên phát hành thẻ bên ngoài nên áp lực vô cùng lớn. “Nhiều người nghĩ nhân viên NH lương cao nhưng thực tế làm phát hành thẻ như tôi lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, cộng thêm hoa hồng mỗi thẻ trên 100.000 đồng, tính ra thu nhập chẳng đáng là bao” - Hải tâm sự.

Với nhân viên tín dụng, cuối năm là thời điểm hết sức vất vả vừa phải cho vay, vừa đôn đốc khách hàng trả nợ. Văn Thanh, nhân viên tín dụng cá nhân một NH quốc doanh, chi nhánh quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết từ nay đến hết năm, anh phải giải ngân được 10 tỉ đồng cho vay khách hàng cá nhân, đồng thời phải thu hồi được nợ xấu 5,5 tỉ đồng. “Đây là chỉ tiêu tối thiểu đặt ra cho cán bộ tín dụng cá nhân, còn lương thưởng Tết thì giờ này chưa thấy thông báo gì nhưng cũng chẳng dám nghĩ chi nhánh năm nay làm ăn thua lỗ” - Thanh tâm sự.

Thanh cho rằng chỉ tiêu 10 tỉ đồng với nhân viên tín dụng không lớn nhưng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, khối NH cổ phần liên tục đưa ra các chính sách lãi suất ưu đãi hấp dẫn, đã lôi kéo không ít khách hàng của các NH quốc doanh. Để đạt được chỉ tiêu, Thanh phải nhờ bạn bè đồng nghiệp giới thiệu khách hàng để, riêng phần thu hồi nợ xấu mới là gian nan nhất. Thanh kể có lần, anh được giao thu hồi khoản vay của một khách hàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang vướng nợ xấu. Thanh phải lặn lội từ TP HCM xuống Vũng Tàu, “ăn dầm nằm dề” ở đó suốt mấy ngày. “Đòi tiền mà phải năn nỉ khách hàng như con nợ. Cũng may ông khách này thu xếp được khoản tiền và trả được nợ” - cán bộ tín dụng này nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do tín dụng của hệ thống NH từ đầu năm đến nay đạt thấp, nhiều NH thương mại buộc chạy hết tốc lực, bằng nhiều cách để đạt con số tăng trưởng 12%. Thậm chí, chi nhánh, phòng giao dịch NH còn phải ký cam kết giải ngân đạt chỉ tiêu và sau đó đến lượt các NH phải gồng mình ra để tìm kiếm khách hàng, đòi nợ khi mà thời điểm cuối năm chỉ còn đếm từng ngày.

Theo Linh Anh
Người Lao động
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”