Nhân viên đóng cửa hàng sớm 1 phút bị phạt 300.000 đồng: Chủ có cứng nhắc?

Trúc Ly

(Dân trí) - Bên cạnh những ý kiến cho rằng chủ quán khắt khe, cứng nhắc, không ít người theo quan điểm khi đi làm phải tuân thủ quy định về giờ giấc, nếu làm sai bị phạt là lẽ thường tình.

Mới đây, trên các diễn đàn của giới trẻ, câu chuyện về việc người chủ quán phạt nhân viên 300.000 đồng với lý do nhân viên đóng cửa hàng sớm 1 phút, trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Cụ thể, trong bức ảnh được đăng tải, người chủ đã chụp lại màn hình camera kèm dòng tin nhắn: "Ca tối nay đóng cửa sớm 1 phút, anh sẽ gán phạt lỗi D6 - lỗi nghiêm trọng - 300K". 

Phía dưới bài đăng, có nhiều ý kiến xoay quanh sự việc này. Một bộ phận cho rằng thông thường các cửa hàng bán đồ ăn, đồ uống mô hình nhỏ giống cửa hàng trong câu chuyện này, thường trả lương cho nhân viên mức 22.000 đồng - 25.000 đồng/giờ.

Nhân viên đóng cửa hàng sớm 1 phút bị phạt 300.000 đồng: Chủ có cứng nhắc? - 1

Câu chuyện chủ quán phạt nhân viên 300.000 đồng vì đóng cửa hàng sớm 1 phút đang gây ra nhiều tranh cãi (Ảnh: OFFB).

Mức phạt 300.000 đồng tương ứng với 12 giờ đồng hồ làm việc là mức phạt quá nặng. Những người này quan điểm ca tối đóng cửa sớm 1 phút thực chất không ảnh hưởng quá nhiều, thậm chí không ảnh hưởng doanh thu vì 1 phút là quá ngắn.

Một vài tài khoản còn khẳng định rằng những chủ quán như thế này là người "không có tâm", sẽ khó để tuyển nhân viên mới. 

Tài khoản Ngọc Đặng viết: "Hút máu à, chỉ đợi nhân viên có lỗi là trừ, 1 phút 300.000 đồng quá đáng quá".

Linh Chi viết: "Đi làm mà gặp mấy kiểu chủ như thế này thì nghỉ sớm cho khỏe".

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm đối lập với những ý kiến trên. Nhóm này cho rằng việc đóng cửa sớm là vi phạm quy định của cửa hàng nên việc chịu phạt là lẽ đương nhiên. Những người này lập luận rằng chủ quán đã chỉ ra "lỗi D6", có nghĩa là đã có bảng nội quy ghi rõ các kiểu vi phạm kèm mức phạt. Do vậy, khi nhân viên không thực hiện đúng, việc chịu phạt là điều hiển nhiên.

Ngoài ra, khi đã ra quy định về thưởng, phạt rõ ràng, chủ quán sẽ phải áp dụng theo quy chế, không phân biệt sớm 1 phút hay sớm 10 phút. 

Ngọc Anh - phó phòng nhân sự của một công ty bán thiết bị y tế - cho rằng khi đi làm, việc chấp hành nội quy vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của nhân viên. Trong 6 năm làm mảng nhân sự, chị luôn nhấn mạnh việc chấp hành giờ giấc đối với các nhân viên mới, đặc biệt là nhóm nhân viên gen Z (sinh năm 1997 trở về sau).

Cô nêu quan điểm khi làm việc trong một tổ chức dù lớn hay nhỏ, mọi nhân viên đều phải ý thức rằng giờ giấc là điều quan trọng và phải tuân thủ. Không cần đi sớm, về muộn, quan trọng là đúng giờ.

Tại công ty của Ngọc Anh, các quy định phạt khi nhân viên đi làm muộn luôn được áp dụng. Cô khẳng định tại tổ chức không có sớm một phút hay muộn một phút, chỉ tồn tại khái niệm sớm và muộn, không quan trọng là muộn bao lâu.

Cô nói thêm rằng có thể với các bạn sinh viên đi làm thêm, việc phạt 300.000 đồng là số tiền tương đối lớn. Tuy nhiên, việc này sẽ phần nào giúp các bạn hiểu rằng trong cuộc sống, việc tuân thủ các quy định của tổ chức là điều nên làm và buộc phải làm.

Ngoài ra, bên cạnh các quy định phạt, công ty của cô cũng có nhiều mức thưởng dành cho những nhân viên chấp hành nội quy tốt, ý thức và trách nhiệm công việc cao. Đây là cách để khích lệ tinh thần mọi người.

Hải Anh (sinh năm 2000) - nhân viên truyền thông tại một công ty - cho biết cô học được bài học về sự đúng giờ sau khi bị cho nghỉ việc bất đắc dĩ liền trong một tuần. Hải Anh kể rằng ngay sau khi ra trường, cô xin làm nhân viên truyền thông tại một công ty nhỏ với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng.

Trong một tháng đầu tiên, Hải Anh đi muộn 7 lần. Tuy vậy, trưởng phòng của cô không nhắc nhở, không hỏi lý do. Cuối tháng đầu tiên, người này nói rằng cho phép Hải Anh nghỉ liền một tuần tiếp theo không lương để tự điều chỉnh lịch sinh hoạt, đảm bảo sẽ không đi làm muộn. Kể từ đó, Hải Anh học cách đúng giờ. Cô hiểu rằng giờ giấc là yếu tố đầu tiên thể hiện sự chuyên nghiệp của một người. Do vậy, trong mọi hoàn cảnh, đừng vi phạm giờ giấc.