Nhà xe "đuổi ruồi" cả ngày không có khách, cắn răng chạy chịu lỗ tết 2022
Tình trạng vắng khách chưa từng có, ngay cả dịp lễ tết 2022, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh gặp khó khăn. Dù chỉ có 1-2 khách nhưng xe vẫn phải chạy để giữ thương hiệu.
Thu một lỗ hai
Nhân viên quầy vé nhà xe Tuấn Hưng (tuyến TPHCM - Gia Lai) cho biết, lượng khách đến mua vé vắng không thể tưởng tượng. Ngay cả dịp nghỉ lễ dài ngày, người dân cũng không đến hỏi giá vé hay đặt mua. Thậm chí, có khi không bán được vé nào, chị đến ngồi cả ngày rồi hết giờ đóng quầy đi về.
Đại diện nhà xe Kim Lý (tuyến TPHCM - Đăk Nông) cho hay, sát giờ xe suất bến mà cũng chỉ bán được 5 vé. Bến xe vắng tanh, không một ai. Trong khi khách gọi điện để xe qua đón trên đường không có.
Bà Trương Liên Hương, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Ba Châu (tuyến TPHCM - Cần Thơ - Ô Môn), chia sẻ, hoạt động trong lĩnh vực này đã 40-50 năm, nhưng đây là cảnh tượng đầu tiên từng thấy trong lịch sử.
Trước đây, DN có 8 tài xế chạy xe liên tục trong ngày với công suất khoảng 350 khách/ngày thì giờ chỉ duy trì 3 tài xế. Dẫu vậy, nhiều nhất cũng chỉ có 10-12 khách/chuyến xe. Có khi 1-2 người/chuyến nhưng xe vẫn phải chạy, chấp nhận lỗ để giữ khách, duy trì thương hiệu.
Theo bà Hương, chi phí cho một chuyến xe gồm tiền cho tài xế, lơ xe; tiền xăng dầu; lệnh hai đầu bến đã là 3,5 triệu đồng/xe. Chi phí trên chưa tính tiền thuê quầy vé; nhân viên ngồi bán vé; hao mòn vỏ, ruột xe ... Với số lượng khách trung bình khoảng 10 người/chuyến như hiện nay, mức giá 135.000 đồng/vé thì mỗi chuyến xe chạy, công ty lỗ khoảng 2,4 triệu đồng, thu một mà lỗ hai.
Dự báo rất ít người về quê ăn tết
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe miền Tây - ông Trần Văn Phương - dự đoán, lượng khách tết dương lịch so với cùng kỳ năm 2020 giảm tới 80%. Trong khi, cận tết Nguyên đán mà không có khách đặt trước. Dự báo lượng khách về các tỉnh/thành tết Nhâm Dần giảm 50%.
Hiện, trung bình mỗi ngày, bến xe đón khoảng 2.000 khách so với ngày trước dịch là 30.000 khách (chưa được 10%). Xe xuất bến cũng chỉ đạt 200/1.200 xe.
Cũng theo đại diện Bến xe miền Tây, nhiều quầy vé đã đóng từ ngày 1/6 tới nay chưa mở lại, một số quầy trả mặt bằng vì không có khách. Tính đến ngày 28/12, vẫn còn 3 địa phương chưa cho xe từ TPHCM về là Vĩnh Long, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Người dân muốn về quê sẽ phải chọn xe tỉnh khác có lộ trình đi ngang qua để xuống giữa đường.
"Người nào muốn về thì cũng đã về rồi, người nào muốn lên thì cũng đã lên thành phố và hiện họ muốn ổn định tại chỗ. Người dân có tâm lý qua tết Nguyên đán mới quay lại TPHCM vì đi lúc này dở dang. Ngoài ra, nhiều người cũng ngại đi ô tô do sợ lây nhiễm trong không gian kín", ông Phương nói.
DN vận tải gặp khó kéo theo bến xe gặp khó. DN không hoạt động, lượng xe không ra vào bến thì nguồn thu không có. Do không có khách, nhiều DN trả lại mặt bằng quầy vé, nghỉ từ 1/6 tới nay vẫn chưa bán lại.
Ông Tạ Chương Chín - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông - cũng nhận xét tình hình tương tự tại bến xe này, các DN vận tải hành khách hoạt động đều từ tháng 11 nhưng ghi nhận lượng khách đến bến so với cùng kỳ chỉ đạt 5-10%, xe xuất bến đạt 15-20%.
Ông Chín cho rằng, khách còn mơ hồ khi thông tin một số tỉnh còn cách ly nên họ cân nhắc việc đi lại, chỉ đi khi thực sự cần thiết hoặc khám chữa bệnh. Bến xe mới có 74/164 DN hoạt động trở lại.
Cảnh đìu hiu không chỉ đối với bến xe khách, ông Nguyễn Ánh Luyện - Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - thông tin do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tất cả các phương tiện giao thông công cộng và ngành đường sắt nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng vé bán ra cho tết âm lịch và tết dương lịch rất thấp so với mọi năm.
Công đoàn các Khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM năm nào cũng mua vé đường sắt tặng cho công nhân về quê ăn tết. Năm nay, dự kiến tặng 700-800 vé mà sau khi hỏi nhu cầu công nhân thì chỉ còn lấy khoảng 150 vé. Vé được tặng nhưng công nhân cũng không đăng ký và không có nhu cầu về dịp tết Nguyên đán 2022.