TPHCM:
Nhà ở xã hội thiếu… hấp dẫn
(Dân trí) - “Chương trình phát triển nhà ở xã hội chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển BĐS do thiếu tính hấp dẫn, cơ chế chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội còn rườm rà, qua nhiều tầng nấc”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM nhận định.
Giải ngân ì ạch, thủ tục rườm rà
Thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, TPHCM đã giải quyết cho hàng chục dự án nhà ở xã hội mới, cũng như cho chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đồng thời với việc cơ cấu lại căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 1,05 đồng/căn hộ lại khá ì ạch. Tính đến tháng 9/2015, trên toàn quốc mới giải ngân đạt được 26%. Riêng tại TPHCM, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng được hơn 4.000 tỷ đồng với 5.644 khách hàng; đã giải ngân được hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,54% gói tín dụng ưu đãi. Con số giải ngân này được đánh già là quá thấp, quá chậm và chưa đạt như kỳ vọng.
“Chương trình phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển BĐS do thiếu tính hấp dẫn, cơ chế chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội còn rườm rà, qua nhiều tầng nấc”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Do dự án phải được kiểm toán nên có một số chi phí thực của doanh nghiệp đã bỏ ra nhưng không được tính đủ. Điển hình như dự án nhà ở xã hội tại phường Thảo Điền của Công ty Thủ Thiêm có khoảng 1.900 m2 đất được chủ đầu tư mua lại quyền sử dụng đất của dân vào năm 2004 với giá khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá đất theo bảng giá đất của TPHCM tại khu vực này khoảng 12 triệu đồng/m2, giá thị trường khoảng trên 20 triệu đồng/m2. Nếu lấy giá cũ 2,5 triệu đồng/m2 của năm 2004 để tính giá thành dự án nhà ở xã hội thì sẽ thiệt thòi cho chủ đầu tư và khó động viên chủ đầu tư tiếp tục tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội phải được cấp tỉnh thông qua, sau đó trình Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng có văn bản chuyển Ngân hàng Nhà nước, sau đó Ngân hàng Nhà nước có văn bản chuyển đến ngân hàng thương mại thì mới xong thủ tục giải quyết cho doanh nghiệp. Chính sự “rườm rà” này khiến doanh nghiệp mệt mỏi và không mặn mà triển khai dự án nhà ở xã hội. Ví dụ như Công ty CP 584, dù đã được duyệt dự án nhà ở xã hội nhưng xin rút dự án Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú…
Một nguyên nhân “không hề nhỏ” khác khiến nhà ở xã hội thiếu hấp dẫn là vì người dân khó tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khi phải chứng minh thu nhập theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP…
“Cởi trói” ... chứng minh nghèo
Chủ tịch HĐQT một tập đoàn BĐS tại TPHCM cho biết, để doanh nghiệp “mặn mà” với nhà ở xã hội thì các cấp quản lý cần có những biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản.
Cụ thể, Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển nhà ở xã hội để thực hiện Luật Nhà ở 2014; đặc biệt, cần xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Doanh nhân này cũng cho rằng, cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia như mô hình “Tổng cục phát triển nhà ở xã hội” để quản lý và thực hiện hiệu quả chương trình này. Đồng thời, cần gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (5 năm), đến hết ngày 31/05/2018 chứ không phải kết thúc vào ngày 31/5/2016 như quy định tại điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 và tăng thời hạn vay lên 20 năm chứ không phải 15 năm như hiện nay.
“Theo tôi, cần cho phép đối tượng mua nhà ở xã hội không cần thiết phải chứng minh thu nhập, vì đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội có người thu nhập thấp đô thị, hộ nghèo, cận nghèo; và trên thực tế khi mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà này. Đồng thời, dự án nhà ở xã hội hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng theo điều 56 Luật Kinh doanh BĐS”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Công Quang