Nhà nước mua lại nhà ế: Quà dành cho ai?

Đề xuất Nhà nước mua lại BĐS để "cứu" ngân hàng được một quan chức Bộ Xây dựng đưa ra, ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nếu như phần đông giới doanh nghiệp xây dựng BĐS bày tỏ tán đồng thì người dân lại rất quan ngại.

Giải pháp tình thế

 

Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS đón nhận thông tin "ứng cứu" nói trên với thái tích cực, song cũng bày tỏ không ít băn khoăn.

 

Ông Trương Chí Kiên - Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô đánh giá, đề xuất mua lại một số dự án BĐS có giá trung bình là "rất đúng đắn", trước hết giải cứu cho thị trường, đồng thời lại gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS, cũng như ngân hàng.

 

Vị này phân tích, đứng về góc độ Nhà nước, để có được dự án, công trình nhà ở công vụ thì phải triển khai và chi phí khá nhiều. Trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS rất khó khăn và họ phải có những chiến lược cực kỳ táo bạo đó là cắt lỗ. Nếu Nhà nước có chủ trương mua lại sản phẩm của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vốn tồn đọng, có thêm quỹ nhà, thì rõ ràng đây là điều lợi nhất cho cả hai bên.

 

Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt chứ không phải dài hạn. Hơn nữa, cách thức thực hiện chủ trương này cũng cần đặt vấn đề. Bởi lẽ, dù giá căn hộ đang được cho là rẻ nhưng vẫn cần được so sánh, thẩm định một cách khách quan và quản lý để tránh tạo lỗ hổng cho các nhóm lợi ích trục lợi.

 
Nhà nước mua lại nhà ế: Quà dành cho ai? - 1

Chung quan điểm, ông Phạm Thanh Hưng - Phó TGĐ CEN Group cũng khẳng định, Nhà nước hỗ trợ, giải cứu thị trường bằng hình thức này hay hình thức khác đều rất đáng quý. Về nguyên tắc, đó là một giải pháp tích cực song cũng chỉ mang tính tạm thời trước mắt.

 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra chưa được giải đáp. Chỉ đơn cử như hiện giờ rất nhiều doanh nghiệp, dự án đang bị bế tắc, vậy thì Nhà nước chọn mua dự án nào, cứu ai, bỏ ai là cả một vấn đề. Hơn nữa, nguồn tiền ngân sách trung ương, địa phương dành cho việc mua lại căn hộ này cũng không phải lớn.

 

Người dân quan ngại

 

Trái với doanh nghiệp, phản ứng từ phía người dân có phần gay gắt hơn cả. Tâm lý số đông phổ biến mong giá nhà ở, căn hộ tiếp tục được điều chỉnh giảm, về với giá trị thực sau cả năm lĩnh vực BĐS bị siết tín dụng. Vì thế, bất cứ biện pháp nào được cho là ứng cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp (mà không phải người mua nhà) đều bị cho là nửa vời, bất công bằng và làm méo mó thị trường.

 

Đặc biệt, với đề xuất này, tiền của Nhà nước bỏ ra mua cũng chính là tiền của người dân mà chưa rõ cơ chế, biện pháp đảm bảo công khai, minh bạch trong việc lựa chọn dự án, mức giá...

 

Phản hồi về vấn đề này trên chuyên trang Diễn đàn Kinh tế VN, nhiều câu hỏi thẳng có phần gay gắt được độc giả đặt ra như nhà nước "giải cứu" các DN, vậy đâu là nguồn hỗ trợ cho dân để mua nhà đúng với giá trị thực?"; "Tại sao tới nước phá sản mà doanh nghiệp vẫn không giảm giá bán. Sao thị trường BĐS không theo quy luật kinh tế?".

 

Có ý kiến bày tỏ quan ngại một cuộc chạy đua vũ trang của các doanh nghiệp để được mua lại dự án có thể bùng phát, hay gánh nặng đóng thuế, phí sẽ càng trĩu vai người dân để bù vào thâm hụt ngân sách...

 

Nhiều độc giả đồng tình góp ý cần giảm các can thiệp vào thị trường bằng hành chính mà hãy để thị trường tự thân điều chỉnh. "Nên ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất để tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, BĐS mấy năm gần đây phát triển quá nóng vượt qua khả năng kiểm soát của Nhà nước và để lại rất nhiều hệ lụy. Nên để cho nó tự điều chỉnh và hoạt động theo đúng quy luật và bản chất của thị trường BĐS. Không cần giải cứu, vì bất kỳ động thái hỗ trợ nào của Nhà nước lúc này đều sẽ tạo sóng cho thị trường và nảy sinh những tiêu cực mới.

 

"Không nên suy diễn"

 

Trước các quan ngại, phản ứng trái chiều, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng nêu chính kiến hôm 28/3 cho rằng, việc Nhà nước mua lại một số quỹ nhà ở của các doanh nghiệp để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội cũng như các mục đích khác của Nhà nước thì phải coi đây là việc làm hết sức bình thường mà thực tế đã, đang và sẽ diễn ra.

 

Vị này dẫn giải, từ năm 1994 khi Nhà nước có chủ trương bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, sau 15 năm chúng ta đã bán được hơn 300.000 căn hộ cho những người đang thuê. Theo quy định thì để bảo tồn quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, tiền bán được nhà phải dùng để đầu tư lại. Tuy nhiên thực tế nhiều địa phương chưa làm được việc này. Cho đến nay, chúng ta rất thiếu và cần quỹ nhà dành cho thuê tới các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.

 

Bên cạnh nhu cầu về nhà công vụ, chúng ta cũng có nhu cầu rất cao về nhà ở tái định cư đối với các dự án di dân phục vụ nhu cầu đầu tư các công trình công cộng. Chỉ riêng địa bàn Hà Nội, đã thiếu và bất cập tới hàng ngàn căn hộ loại này.

 

Trước nhu cầu như vậy, cộng với nhu cầu bán ra các sản phẩm nhà ở thương mại của doanh nghiệp, vị Cục trưởng quả quyết, chúng ta có thể mua, thay vì đầu tư, miễn sao sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của Nhà nước, địa phương và với giá cả phù hợp.

 

"Tôi cho rằng yêu cầu mua, bán các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước đã, đang và sẽ phải thực hiện, chứ chúng ta cũng không nên suy diễn theo kiểu trong bối cảnh thị trường đang khó khăn thế này thì đây là một động tác gì đấy để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng ý đó cũng là một phần giúp đỡ cho thị trường nhưng mà quan trọng nhất là vẫn phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của Nhà nước, địa phương có nhu cầu ấy không thì mới mua" - ông Hà nhấn mạnh.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên, vị này cho rằng, việc mua quỹ nhà tái định cư ở đây không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước mà phải theo chế độ chính sách, dựa trên tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án do địa phương quản lý. Tiền ngân sách ở đây chỉ dành cho nhà ở công vụ với một quỹ xác định. Quy trình diễn ra gồm lựa chọn dự án, thẩm định giá đều tuân thủ quy định giám sát tài sản công.

 

TS. Phạm Sĩ Liêm từ Tổng Hội Xây dựng VN đánh giá, chủ trương của Nhà nước ở đây là tốt nhưng quan trọng là khâu thực hiện sao cho cạnh tranh, minh bạch.

 

Thực tế, nhu cầu và số tiền Nhà nước dành để mua nhà công vụ cũng không nhiều. Với nhà tái định cư hay nhà thu nhập thấp thì không thể nói ngân sách bỏ ra mua, mà các dự án cần loại nhà này phải chi ra. Chỉ có điều, nếu Nhà nước tạm ứng ngân sách trước cho doanh nghiệp vay mua để trả sau thì cũng là cái lợi, giúp giảm căng thẳng, tạo không khí hòa hoãn đối với các nhà kinh doanh. Nó không phải là phương thuốc hữu hiệu, cứu cánh cho lực lượng doanh nghiệp BĐS như số đông vẫn nghĩ.

 

 Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, trong đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng đưa ra các tiêu chí BĐS thuộc diện Nhà nước mua lại.

 

Vì thế, cơ quan đầu ngành này dự kiến sắp tới sẽ mua lại một số dự án nhà ở thương mại có giá trung bình trở xuống, khoảng 15-17 triệu đồng/m2, nằm ở vị trí xa trung tâm nhằm làm nhà công vụ và nhà ở cho thuê phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng.

 

Theo lãnh đạo bộ, đây là một giải pháp mà trọng tâm là giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Thể hiện ở việc doanh nghiệp bán được hàng, thị trường sôi động trở lại thì doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng.

 

Chính phủ có quỹ nhà để điều tiết thị trường, lại có lợi vì mua thời điểm này được giá rẻ; người dân là các hộ nghèo, hộ tái định cư có nhà ở thương mại với chất lượng tốt hơn. Nếu tiêu chí chọn mua dự án được ngân hàng và ngành xây dựng thống nhất, được Thủ tướng Chính phủ thông qua thì chậm nhất là quý III/2012 chủ trương này sẽ được thực hiện.

 

Tuy nhiên vị quan chức Bộ Xây dựng chưa tiết lộ rõ các thông tin quan trọng, cụ thể như nguồn tiền; số lượng căn hộ dự kiến mua; phương thức lựa chọn dự án; thẩm định giá cả sao cho minh bạch, công bằng...

 

Theo Thành Dũng

VEF