Mua lại dự án nhà ở thương mại: Phải cho doanh nghiệp “cửa sống”

(Dân trí) - Doanh nghiệp làm được một dự án rất vất vả nên khi mua lại cần tính lãi suất để họ còn “cửa sống”. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nêu quan điểm trước đề xuất mua nhà ở từ các dự án thương mại để bổ sung vào quỹ TĐC của thành phố.

Mua lại dự án nhà ở thương mại: Phải cho doanh nghiệp “cửa sống”
Ý tưởng mua nhà ở từ các dự án thương mại để bổ sung vào quỹ TĐC đang được các cơ quan chức năng dần hiện thực hóa (ảnh minh họa)

Trong bối cảnh thị trường BĐS có nhiều khó khăn như hiện nay, đề xuất mua nhà ở từ các dự án thương mại để bổ sung vào quỹ tái định cư (TĐC) của Thành phố Hà Nội đang thực sự được dư luận quan tâm. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Theo ông Tuấn, song song với đầu tư xây dựng một số khu TĐC tập trung, Sở Xây dựng đã đề nghị Thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại đã xây xong của doanh nghiệp.

Hiện có một số doanh nghiệp đã đề nghị bán nhà cho thành phố. Hiện Thành phố vẫn chưa có thông điệp chính thức về việc này nhưng Sở Xây dựng sẽ tổng hợp nhu cầu bán nhà của doanh nghiệp để báo cáo Thành phố xem xét. Việc có mua hay không còn phải tính toán, cân nhắc cụ thể từng dự án xem có phù hợp với TĐC hay không.

Ngoài ra còn một quỹ nhà khác đó là quỹ nhà thực hiện theo Quyết định 123 của Thành phố (gồm 30-50% quỹ nhà của các dự án dành lại để bán cho cán bộ, công nhân viên của thành phố) cũng sẽ được mua lại để làm nhà TĐC. Quỹ nhà này có giá bán còn có phần thấp hơn nhà thương mại.

Theo ông, để mua được dự án thương mại thì phải bắt đầu từ đâu?

Muốn mua lại nhà từ doanh nghiệp trước hết phải xây dựng cơ chế. Sở Xây dựng hiện đang được giao phác thảo cơ chế này. Trong đó, thứ nhất, phải tính được giá trị đất trước đây doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước để khấu trừ;

Thứ hai, vì là nhà ở thương mại nên doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm phê duyệt dự án, phê duyệt tổng dự toán. Cơ quan quản lý sẽ phải xem xét lại những chi phí xem chi phí nào là hợp lý, chi phí nào không hợp lý cần loại ra để tính giá thành.

Mức lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng sẽ được giới hạn ở mức 10%, đây cũng là mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội được hưởng. Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn mà để làm được một dự án cũng hết sức vất vả nên khi mua lại cần tính lãi suất để họ còn “cửa sống”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất thương mại để đầu tư dự án, cơ quan chức năng có tính đến việc nếu mua lại nhà thương mại sẽ làm tăng giá nhà TĐC, ảnh hưởng đến chi phí của các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB)?

Đây là cách làm mang lại hai lợi ích, Thành phố thì chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà TĐC, mặt khác sẽ cứu được không ít doanh nghiệp đang trong “cơn nguy kịch”, giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Đây chính là lúc doanh nghiệp và nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, tiền mua nhà là tiền ngân sách, là tiền đóng thuế của dân vì vậy khi mua nhà Thành phố sẽ phải tính toán kỹ về giá thành, các chi phí hợp lý, doanh nghiệp trong trường hợp này không thể mong lợi nhuận cao được.

Cơ cấu diện tích các căn hộ thương mại thường lớn hơn so với căn hộ TĐC  và thường vượt quá tiêu chuẩn mua nhà của các hộ dân trong diện GPMB liệu có phải là trở ngại không thưa ông?

Chúng ta nên thay đổi quan niệm, cần coi nhà TĐC như nhà ở thương mại. Nhà TĐC cũng cần chất lượng tốt, điều kiện sống tốt như nhà thương mại. Về tiêu chuẩn TĐC, ví dụ như theo quy định một hộ dân có thể được mua căn hộ rộng 45m2 nhưng nếu họ có điều kiện về tài chính và có nhu cầu thì cũng nên tạo điều kiện để mua căn hộ lớn hơn, 70-80m2 chẳng hạn.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương