1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhà nước chỉ giữ 51% cổ phần Vinafood 2

(Dân trí) - Mặc dù theo phương án được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn trình trước đó thì sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ 65% vốn điều lệ Vinafood 2, song theo ý kiến mới nhất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại doanh nghiệp này chỉ còn 51%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Cụ thể, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa Vinafood 2 theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Theo phân công của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao chỉ đạo Vinafood 2 khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8115/VPCP-ĐMDN ngày 27/9/2016 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định lại giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và xử lý tài chính.

Bên cạnh đó, Vinafood 2 phải rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, xử lý các vướng mắc trước khi cổ phần hóa Tổng công ty; lập phương án cổ phần hóa tổng công ty trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính phủ giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Vinafood 2 còn 51%
Chính phủ giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Vinafood 2 còn 51%

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ "thúc" đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Vinafood 2. Trước đó, hồi tháng 9/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 khẩn trương thoái vốn nhà nước ở các đơn vị mà tổng công ty này đã góp vốn; sớm trình Thủ tướng phương án cổ phần hóa.

Việc cổ phần hóa Vinafood 2 được chuẩn bị tiến hành trong bối cảnh doanh nghiệp này gặp khó khăn nặng nề về tài chính. Trong năm 2016, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng công ty này đã "xin" cơ chế xử lý nợ phải thu khó đòi tại hàng loạt công ty con.

Theo phương án cổ phần hóa công ty mẹ Vinafood 2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình lên Thủ tướng trước đó, phương án cổ phần hóa Vinafood 2 sẽ kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Vinafood 2 – Công ty cổ phần dự kiến là 5.000 tỷ đồng, được chia thành 500 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Vinafood 2 phát hành thêm gần 16,5 triệu cổ phần (gần 165 tỷ đồng) để bổ sung vào vốn điều lệ.

Theo phương án này, cổ đông Nhà nước sẽ nắm giữ 65% số cổ phần (tương đương 3.250 tỷ đồng) - tức cao hơn tỷ lệ vừa được lãnh đạo Chính phủ quyết định; nhà đầu tư chiến lược trong nước là 25% (1.250 tỷ đồng), bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài 8,95%. Phần còn lại, cổ đông sẽ là cán bộ công nhân viên, tổ chức Công đoàn Tổng công ty. Toàn bộ cổ phần tại thời điểm thành lập là cổ phần phổ thông.

Trong cơ cấu 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ vẫn còn gần 600 tỷ đồng “nợ khó đòi” từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum… đồng thời, có khoảng 500 tỷ đồng đầu tư “sai” vào lĩnh vực thủy sản. Các khoản nợ đọng này được hình thành từ trước năm 2013 và được công bố công khai cho các nhà đầu tư có quan tâm.

Trong vụ bê bối tài chính liên quan đến Vinafood 2, bà Võ Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ông Huỳnh Văn Thông - Phó Tổng giám đốc Vinafood 2 kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Lương thực Hậu Giang cũng bị điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bích Diệp