Quảng Nam:

Nhà máy nghìn tỷ mới hoạt động đã đắp chiếu: Nhiều hệ lụy phát sinh vẫn chưa giải quyết

(Dân trí) - Sau gần 1 năm “đắp chiếu”, đến nay nhà máy Sô đa Chu Lai vẫn “án binh bất động”. Nhiều hệ lụy phát sinh từ việc “đắp chiếu” đến nay vẫn chưa được giải quyết; trong đó công nhân mất việc, nợ hơn 2 ngàn tỉ đồng vay ngân hàng vẫn chưa có hướng ra…

Sau 5 năm đầu tư với trang thiết bị có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, tháng 6/2015, nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai đi vào hoạt động. Đến tháng 8/2016, nhà máy này phải tạm dừng do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, người dân phản đối quyết liệt. Nguồn nước thải từ bên trong nhà máy chảy thẳng ra môi trường làm sông hồ bị ô nhiễm trầm trọng, cá chết trắng hồ suốt thời gian dài.

Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới đi vào hoạt động
Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới đi vào hoạt động

Doanh nghiệp này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 700 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ TN-MT yêu cầu nhà máy Sô đa Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…

Tại cuộc họp báo quý I/2018 vào ngày 29/3 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, trả lời câu hỏi của các PV về “số phận” của nhà máy Sô đa Chu Lai hiện nay, ông Phạm Ân - Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai và Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

Theo ông Ân cho biết, sau một thời gian hoạt động không đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ TN-MT; vì thế, Tổng cục Môi trường cùng với Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường và BQL Khu kinh tế mở Chu Lai kiểm tra và đề nghị dừng hoạt động.

“Công ty Cổ phần Sô đa Chu Lai phải nộp phạt số tiền theo quy định. Các vật liệu chứa trong kho dẫn đến ảnh hưởng amoniac ra môi trường chúng tôi sẽ kiểm tra, kết luận và báo cáo biện pháp xử lý với UBND tỉnh”, ông Ân nói.

Cũng theo ông Phạm Ân, trong gần 1 năm qua, gần 400 công nhân (chủ yếu là người địa phương) mất việc làm dẫn đến nhiều “hệ lụy”. Theo đó, tối thiểu mỗi công nhân mất ít nhất từ 1-2 tháng lương do nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai không chịu trả tiền lương.

Nhà máy Sô đa Chu Lai đã đóng cửa gần 1 năm nay
Nhà máy Sô đa Chu Lai đã đóng cửa gần 1 năm nay

Hệ lụy nữa là tiền cho vay của Chi nhánh 5 Ngân hàng NN-PTNT khoảng 2 ngàn tỉ đồng giờ trở thành nợ khó đòi. Xung quanh món nợ khó đòi này, theo ông Ân, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và của Ngân hàng NN-PTNT.

Về việc đóng của nhà máy Sô đa Chu Lai, Báo Dân trí cũng đã có nhiều bài phản ảnh “Thủ tướng yêu cầu làm rõ: “Nhà máy nghìn tỷ vừa hoạt động đã đắp chiếu””; “Quảng Nam vào cuộc kiểm tra “nhà máy nghìn tỷ đắp chiếu” theo chỉ đạo của Thủ tướng”…

Trao đổi thêm với báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – cho hay, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo BQL Khu kinh tế mở Chu Lai và ngành TN-MT tiếp tục đảm bảo môi trường tại đây. Ngoài ra tỉnh cũng yêu cầu bảo vệ ở đó bảo vệ, chống rò rỉ amoniac cùng các ngành và huyện Núi Thành cho đến khi có phương án xử lý chính thức.

“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho 3 Bộ xem xét báo cáo của tỉnh Quảng Nam và sẽ có trả lời chính thức. Quan điểm của UBND tỉnh là làm gì thì làm phải đảm bảo về môi trường, nếu không đảm bảo yếu tố về môi trường chắc chắn là không cho phép hoạt động”, ông Nguyễn Hồng Quang nói.

Được biết, Công ty Cổ phần sản xuất Sô da Chu Lai do ông Nguyễn Thái Dũng làm Tổng Giám đốc. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai theo cam kết của nhà đầu tư là sẽ cung cấp cho ngành sản xuất sản xuất công nghiệp Việt Nam lượng sô đa đáng kể, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu 500.000 tấn sô đa mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng như cam kết.

C.Bính

Nhà máy nghìn tỷ mới hoạt động đã đắp chiếu: Nhiều hệ lụy phát sinh vẫn chưa giải quyết - 3