Nhà máy 8.000 tỷ bỏ hoang: Bồi thường cho Trung Quốc trăm tỷ
Do dừng thi công quá lâu, dự án Nhà máy thép 8.000 tỷ ở Thái Nguyên đứng trước nhiều nguy cơ. Để cứu nó, cần xin thêm nhiều ưu đãi hàng ngàn tỷ, nhưng để khởi động lại dự án trước hết phải bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc.
Khởi động lại: Cần thêm ngàn tỷ
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang nỗ lực để tái khởi động xây dựng Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II.
Thế nhưng, hệ lụy dừng nhà máy 4 năm trời lại chất thêm gánh nặng chi phí khá lớn. Trong đó có việc phải bồi thường cho tổng thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Theo tính toán của chủ đầu tư, do dự án dừng hoạt động từ tháng 6/2012, cho nên muốn tái khởi động lại TISCO phải bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc số tiền lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, những trang thiết bị hư hỏng trong thời gian dự án “chết lâm sàng” cũng khiến TISCO phải bỏ ra cả đống tiền để khôi phục lại.
Nhà thầu Trung Quốc tính toán rằng tiền mua lại những thiết bị hư hỏng lên đến khoảng 120 tỷ đồng. Còn những thiết bị phải bảo dưỡng lại theo báo giá của MCC cũng lên tới gần 90 tỷ đồng.
Với những chi phí trên đã khiến tổng vốn đầu tư của nhà máy thép 8.100 tỷ đồng này có nguy cơ đội vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên trên 9.000 tỷ.
Với số vốn này, dự án sẽ rất khó có hiệu quả. Chủ đầu tư đã cùng tư vấn tính toán lại để đưa ra một phương án “dự án vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội với vốn đầu tư khoảng trên 7.800 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện phương án 7.800 tỷ đồng này là những những đòi hỏi ưu đãi, hỗ trợ. Theo đó, TISCO đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… với tổng số tiền là 530 tỷ đồng.
Ngoài ra, TISCO muốn Ngân hàng Phát triển VN khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công từ 7/2012 đến 3/2016 (khoảng 386 tỷ đồng); cho phép điều chỉnh thời gian vay, thời gian trả nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký… Với Vietinbank, TISCO mong muốn được khoanh nợ gốc, đồng thời miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công.
Như vậy, việc giảm vốn đầu tư từ hơn 9.000 tỷ đồng xuống trên 7.800 tỷ là nhờ xin thêm ưu đãi và cắt giảm bớt các hạng mục đầu tư. Ngoài ra, TISCO cũng đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu rút gọn để lựa chọn các nhà thầu mới.
Rót thêm nghìn tỷ hay buông hẳn?
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương ủng hộ việc khởi động lại dự án. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu tiếp tục kéo dài việc triển khai dự án nguy cơ đổ vỡ là rất cao. Bộ này cũng đồng tình với đề xuất miễn thuế nhập khẩu để giảm áp lực vốn cho dự án cũng như việc cho phép chỉ định thầu.
Theo Bộ Công Thương, nếu các đề xuất của chủ đầu tư là TISCO được duyệt trong tháng 3/2016, dự án sẽ được tái khởi động lại vào tháng 4/2016 và hoàn thành vào tháng 12/2017.
Bỏ đi ngàn tỷ hay gánh nợ suốt đời?
Từng chứng kiến tận mắt dự án “rùa” này , TS Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Từ cách chọn nhà thầu đến quản trị dự án, giám sát dự án này có rất nhiều vấn đề. Chính việc này đã khiến dự án trì trệ và vốn đội lên gấp đôi.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lưu ý, nếu làm tiếp dự án này, Chính phủ, Bộ Công Thương cần cố điều chỉnh dự án lại cho phù hợp yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật công nghệ để sản phẩm sau này đáp ứng yêu cầu. Nếu không lại tiếp tục gánh các hệ quả khác về chất lượng, hiệu quả.
Nói về lựa chọn cho dự án này, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, trước hết cần truy trách nhiệm cho người làm đội vốn đầu tư dự án, dự án kém hiệu quả. Đồng thời, đánh giá lại một cách độc lập, trung thực, khách quan hiệu quả kinh tế của dự án này làm cơ sở quyết định có nên tiếp tục dự án hay không.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: Chúng tôi đã tính toán và cho thấy, rất khó để có thể mang lại hiệu quả cho dự án thép của TISCO. “Chúng ta cần phải chấm dứt ngay các tiền lệ rằng nhà nước sẽ đổ thêm tiền cho các dự án dở dang, trì trệ và kém hiệu quả” – TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Theo Hà Duy
VietnamNet