1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... diễn ra rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế"

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và cho rằng: nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra rất rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, GDP kinh tế vừa qua đã tính sót rất lớn. Nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra rất rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế. Vì thế cần kiểm tra độc lập, cập nhật số liệu này.

Nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... diễn ra rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế - 1

Thủ tướng: Việc tính toán lại khu vực kinh tế phi chính thức và cập nhật vào GDP không phải bệnh thành tích...

Thủ tướng cho rằng: "Việc tính toán lại khu vực kinh tế phi chính thức và cập nhật vào GDP không phải bệnh thành tích, mà là xem xét quy mô nền kinh tế để có bước đi phát triển, đánh giá đúng vị thế của Việt Nam".

Đánh giá công việc của Bộ KH&ĐT năm 2018, Thủ tướng nói: "Các tồn tại, bất cập trên không hoàn toàn là lỗi chủ quan của Bộ, nhưng với vai trò tổng tham mưu về kinh tế - xã hội, Bộ cần thể hiện tinh thần chủ động, nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật và đánh giá đúng sự thật".

"Các đề xuất chính sách đưa ra phải cụ thể, chúng ta không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: "Thực tế hiện họp hành rất nhiều, gây tốn kém chi phí, thời gian mà không hiệu quả. Chưa kể, nhiều bộ ngành không có chức năng liên quan cũng được lấy ý kiến khiến cho việc xử lý công việc chậm trễ".

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã nhắc tới tầm nhìn quốc gia đến năm 2030, 2045. Theo đó, năm 2030 Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Nền kinh tế thị trường đã phát triển hơn trong nước sẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh, và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2045, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, cuộc sống người dân không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

An Linh