Nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là đắt hay rẻ?

Hoàng Dung

(Dân trí) - Khách đem 18 kg hải sản vào nhờ nhà hàng chế biến rồi bị phụ thu 4,5 triệu đồng là đắt hay rẻ đang là đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng. Khách có lý của khách, chủ nhà hàng có lý của chủ nhà hàng.

Mới đây, đoàn khách đem 18 kg hải sản vào một nhà hàng tại Phan Thiết (Bình Thuận) nhờ chế biến. Nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng và đã bị khách phản ứng.

Trả lời truyền thông, nhà hàng này cho biết, mức phụ thu đã được thỏa thuận từ trước và đoàn đã đồng ý. Đồng thời, nhà hàng khẳng định mức thu này không quá cao so với một số nhà hàng trên địa bàn. Vì 18 kg hải sản đoàn mang vào gồm có tôm hùm, ốc hương, ốc tỏi... và nếu chia ra thì tiền phụ thu là 250.000 đồng/kg.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cộng đồng mạng đã chia ra thành nhiều luồng ý kiến. Người chê mức phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là "chặt chém", người lại cho biết giá đó là hợp lý. 

"Chúng ta phải xem xét là đoàn trên đi bao nhiêu người, món chế biến ra là gì, có ngồi phòng lạnh hay không thì mới biết được phụ thu trên là đắt hay rẻ", chị An Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) nói. Chị Thu kể gia đình chị cũng hay mang đồ ăn đến nhờ nhà hàng, quán ăn nhờ chế biến hộ. Giá phụ thu sẽ được thỏa thuận trước. Nếu món ăn không cầu kỳ hay gia đình không ngồi phòng điều hòa thì giá sẽ rẻ hơn.

"Cần xem lại cách phục vụ của nhà hàng, họ tố là đúng. Đáng lẽ ra khi khách đưa 18 kg hải sản thì nhà hàng phải phục vụ miễn phí và tìm cho họ cái đĩa bay về hành tinh của mình, chứ ai lại phụ thu 4,5 triệu đồng", chia sẻ của anh Lê Anh Đức khiến không ít người phì cười vì câu từ hài hước, châm biếm. Anh này cho rằng, mức phụ thu kia là hợp lý, không đắt đỏ như khách hàng phản ánh.

Nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là đắt hay rẻ? - 1

Khách phản ánh mức phí phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là quá cao (Ảnh: A.X.).

Thậm chí, chị Thân Vân còn cho rằng, nếu chê đắt thì đoàn khách nên tự mang về nhà chế biến. "Vì về tự nấu ăn thì quán khỏi tốn tiền gas, công thuê đầu bếp, chi phí khấu hao và nhiều loại tiền khác", chị bày tỏ.

Tuy nhiên, anh Ngô Nhật (Hà Nội) lại có suy nghĩ ngược lại khi cho rằng câu chuyện hiện vẫn chưa sáng tỏ, chưa biết ai sai ai đúng. "Có thể khách sai nhưng cũng không loại trừ việc quán sai. Chắc phải có điều gì uẩn khúc ở đây nên cả 2 mới cùng lên tiếng, cách tốt nhất là đợi các cơ quan chức năng vào cuộc", anh nói.

Ông Đặng Đình Mạnh, chủ một hệ thống nhà hàng cá lăng tại Hà Nội cho rằng, không thể đánh giá mức phụ thu trên là đắt hay rẻ. Giá đắt hay rẻ sẽ phụ thuộc vào việc nhà hàng đã chế biến cho khách bao nhiêu món, việc chế biến cầu kỳ hay phức tạp và tổng số người trong đoàn đến ăn là bao nhiêu.

"Chưa kể, trong quá trình dùng bữa ở nhà hàng, chúng ta vẫn chưa biết khách có sử dụng đồ uống, phòng lạnh hay không, món ăn được chế biến cầu kỳ hay đơn giản. Thậm chí là khách ngồi bao nhiêu lâu ở đây", ông chia sẻ. 

Ông Mạnh lấy ví dụ, nếu nhà hàng chế biến các món ốc, tôm bằng phương pháp luộc hoặc nướng thì tính giá 250.000 đồng/kg là đắt. Tuy nhiên, các món ốc, tôm mà được chế biến với sốt kem, phô mai và một số gia vị đặc biệt thì mức phụ thu trên là rẻ. Vì ngoài công chế biến, nhà hàng còn tốn tiền thuê nhân viên, tiền gas, tiền dầu, nhất là trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đang tăng cao.

Nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản là đắt hay rẻ? - 2

Chủ một số nhà hàng cho rằng, không thể đánh giá mức phụ thu trên là đắt hay rẻ vì chưa biết nhà hàng đã chế biến cho khách bao nhiêu món (Ảnh: Mạnh Quân).

"18 kg hải sản mà được chế biến ngon, cầu kỳ cùng với lượng khách đông mà ngồi trong phòng lạnh 2 - 3 giờ thì mức phụ thu trên không đắt. Vì phục vụ 20 - 30 người khác với phục vụ 12 người, phục vụ 6 người", ông nói.

Cách đây 2 tuần, nhà hàng của ông Mạnh cũng đón tiếp một đoàn khách mang cá đến nhờ chế biến. Ông đã phụ thu 250.000 đồng/kg, số tiền trên bao gồm phòng lạnh, công chế biến và đồ uống. Con cá có trọng lượng 10 kg nên nhà hàng lấy 2,5 triệu đồng.

"Để 2 bên đều vui vẻ, trước khi thực hiện, tôi đã trao đổi về mức phụ thu. Tôi đã làm con cá thành 7 món và chia ra 3 bàn. Sau khi thanh toán, khách rất hài lòng về bữa ăn", ông nhớ lại.

Theo ông Mạnh, bữa ăn đó, nhà hàng tốn 1 triệu đồng mua gia vị nên số tiền còn lại chỉ đủ trả công cho nhân viên, tính ra thì không có lãi. Tuy nhiên, ông muốn khách quay lại và sử dụng trọn gói các dịch vụ của nhà hàng nên vẫn gật đầu.

Do đó, ông Mạnh cho rằng, để tránh xảy ra các trường hợp tranh cãi về giá tiền, với những khách mang đồ ăn đến nhờ chế biến thì nhà hàng nên trao đổi giá trước và giải thích vì sao lại có giá đó. Bằng cách này, nhà hàng vừa có thêm khách mới, vừa có thêm thu nhập cho nhân viên.

Đồng quan điểm, chị Vũ Hương, chủ một nhà hàng ở Quảng Ninh, cho biết, cửa hàng của chị thường nhận nấu đồ thuê giúp khách. Tùy thuộc vào loại hải sản và yêu cầu của khách về món ăn mà nhà hàng đưa ra mức phụ thu thích hợp, nếu món ăn được chế biến theo dạng luộc, hấp thì giá rẻ hơn.

"Mức phụ thu bao gồm tiền nguyên liệu, gia vị cho thêm, tiền gas, điện, nước, chi phí nhân công và chỗ ngồi. Nếu khách đã gọi món của nhà hàng và nhờ chế biến một ít đồ tự mang đi thì tôi không tính phí. Còn trường hợp, khách không ăn đồ của nhà hàng mà nhờ chế biến thì phụ thu theo mức giá chung", chị nói.

Thông thường, nhà hàng và khách sẽ thỏa thuận mức phụ thu trước để tránh tranh cãi sau này. Thậm chí, nhà hàng sẽ giảm một phần phí để khách vui vẻ, hài lòng với dịch vụ.