Nhà giàu Trung Quốc hết thời khoe của, sống ảo trên mạng
(Dân trí) - Những hành vi khoe của, trưng lối sống xa hoa giàu có trên mạng sẽ bị coi là vi phạm quy định quản lý mới của Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc mới đây lan truyền một video ghi lại một đêm trong phòng khách sạn hạng sang tiêu chuẩn tổng thống của một người đàn ông ở Thành Đô. Theo đó, video quay cảnh người đàn ông này đang ở một phòng tắm hơi tráng lệ của khách sạn, ăn tôm hùm trên giường và thưởng thức bít tết dát vàng…
"Hóa đơn của ngày hôm nay là 108.876 NDT (17.000 USD)" - kết thúc video người đàn ông nói và cho biết: "Chỉ ngủ thôi cũng bằng mua cả giỏ iPhone rồi!".
Nếu như trước đây, những video có nội dung kiểu như thế này nhan nhản trên mạng xã hội và thu hút hàng triệu lượt xem, thì giờ đây nó bị coi là vi phạm quy định quản lý mới ở Trung Quốc.
Theo New York Times, giới chức Trung Quốc đang đưa ra những cảnh báo về các nội dung được coi là "phô trương sự giàu có" trong bối cảnh chính quyền kêu gọi chống bất bình đẳng. Các nền tảng mạng xã hội được yêu cầu phải gỡ bỏ các video có nội dung khoe của, khoe lối sống xa hoa...
Douyin - một phiên bản Tik Tok của Trung Quốc - cho biết họ đã xóa khoảng 4.000 tài khoản trong vòng 2 tháng qua, bao gồm cả những tài khoản đăng video "rải tiền như rác".
Từ tháng 5 đến tháng 10, Xiaohongshu - một ứng dụng phong cách sống tương tự như Instagram - cũng đã thông báo gắn cờ cảnh cáo gần 9.000 bài đăng khoe khoang sự giàu có.
Ông Zhang Yongjun, một quan chức cấp cao tại cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc, cho biết nước này "sẽ tăng cường quản lý và siết chặt kiểm soát" các nền tảng internet.
Chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về hành vi phô trương sự giàu có là như thế nào, nhưng các quan chức Trung Quốc đã đưa ra một số ví dụ cụ thể như khoe biên lai hoặc đặt món quá nhiều.
"Tiêu chuẩn là mức độ tác động của nội dung", ông Zhang nói và cho rằng: "Nội dung được lan tỏa có truyền cảm hứng cho mọi người sống khỏe, làm việc chăm chỉ hơn, hay chỉ phục vụ cho dục vọng khoe mẽ tầm thường?".
Một blogger từng khoe khoang về những kỳ nghỉ tại khách sạn đắt tiền đã thu hút hơn 28 triệu người theo dõi trên phiên bản TikTok của Trung Quốc. (Ảnh: Douyin)
Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc
Theo Viện Nghiên cứu Credit Suisse, chỉ 1% người Trung Quốc sở hữu 31% tài sản của đất nước. Đại dịch Covid-19 càng làm bộc lộ sự chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc, khi người giàu vẫn sống cuộc sống sang chảnh và chi tiêu xa xỉ, trong khi tầng lớp nghèo đói tiếp tục gặp khó khăn.
Giá nhà ở đô thị cao ngất ngưởng và sự cạnh tranh ngày càng tăng để có được một công việc văn phòng đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy rằng "Giấc mơ Trung Hoa" đang ở ngoài tầm với.
Ở Trung Quốc, các chiến dịch chống lại sự phô trương tiền bạc đều nhấn mạnh: "Chúng ta nên tỉnh táo phá bỏ những cạm bẫy của sự giàu có chứ không phải bản thân sự giàu có". Tuy nhiên giới tinh hoa, giới siêu giàu Trung Quốc đang cực lực phản đối những chính sách liên quan tới các chiến dịch này. Họ cho rằng việc này đang giết chết sự phát triển của quốc gia, và làm chậm lại sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Chống lại sự khoa trương hay sự giàu có?
Những video khoe khoang cuộc sống giàu có vốn luôn được cộng đồng mạng săn đón và theo dõi. Năm 2018, mạng xã hội Trung Quốc từng có xu hướng đăng những bức ảnh chụp người nằm giữa những đồ vật đắt tiền được đặt ngổn ngang một cách có mục đích.
Vào tháng 7/2020, cơ quan quản lý không gian mạng đã công bố kế hoạch "làm sạch triệt để thông tin thúc đẩy các giá trị xấu như so sánh hoặc phô trương sự giàu có, thú vui xa hoa, v.v."
Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, trên các ứng dụng vẫn tràn ngập các video khoe lối sống dư dả, giàu có. Một cuộc tìm kiếm các thương hiệu xa xỉ trên Xiaohongshu vẫn cho ra vô số kết quả. Một blogger đã giới thiệu 121 đôi giày hàng hiệu. Một người dùng khác so sánh giá trị của những chiếc khăn Fendi, Burberry và Louis Vuitton.
Ông Zhang cho rằng: "So với lượng truy cập mạng xã hội hiện nay, những bài đăng đã bị xóa về cơ bản là không đáng kể. Và ngay cả khi tất cả những bài đăng đó biến mất thì cũng sẽ không thay đổi được tình trạng phân phối của cải trên thực tế. Vì những người không khoe về tiền bạc, xe hơi, túi xách và đồ trang sức trên mạng xã hội không có nghĩa là họ không có tiền".
Do đó, đối với một số nhà phê bình, việc cấm phô trương sự giàu có, có lẽ nhắm vào sự phô trương chứ không phải sự giàu có.