Nhà giàu Trung Quốc đổ xô thâu tóm bất động sản tại London

(Dân trí) - London, thành phố nổi tiếng thế giới về độ đa dạng văn hóa và cư dân có lẽ sắp trở thành khu phố người Hoa, khi nhà giàu Trung Quốc đang liên tục đổ tiền thâu tóm các bất động sản tại đây.

Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố, các nhà đầu tư Trung Quốc đang trở thành một trong những nhóm khách hàng lớn nhất của thị trường bất động sản London, với mục tiêu chủ yếu là các công trình mới xây.

Nhà đầu tư Trung Quốc đang không ngừng thâu tóm bất động sản tại London
Nhà đầu tư Trung Quốc đang không ngừng thâu tóm bất động sản tại London

Trong vòng một năm tính tới tháng 7 vừa qua, có tới 27% số bất động sản mới ra mắt tại London được sang tay cho nhà đầu tư Trung Quốc, tờ Tuần báo Trung Quốc được phát hành tại Anh khẳng định.

Con số 27% trên chiếm 17% khối lượng giao dịch của toàn ngành bất động sản London, hãng bất động sản Savills có trụ sở tại Anh cho biết. Trong khi đó, số liệu của Knight Frank, một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại London thì khẳng định, trong nửa đầu năm nay, khách Trung Quốc đã rót 266 triệu USD vào thị trường nhà đất London.

Những thống kê khác của Savills cho thấy, người mua từ Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, chiếm 10,2% số công trình mà công ty này chào bán năm 2010. Và tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 15,6% trong năm 2011 và 22,2% trong năm ngoái. Tương tự, 21% khách mua nhà mới của Knight Frank trong năm ngoái là người Trung Quốc.

Lực mua lớn đến mức trong nửa đầu năm nay, ít nhất 8 công ty phát triển bất động sản London đã mở văn phòng tại Hồng Kông, Thượng Hải và Bắc Kinh. Trong khi đó nhiều người mua đến từ Trung Quốc được cho là thường quan tâm các bất động sản có giá hơn 1 triệu bảng Anh (1,6 triệu USD), Gary Kwok, CEO của iNewHome, một nhà phát triển bất động sản tại Anh cho biết.

Theo một nhân viên văn phòng Savills tại châu Á, 60% khách Trung Quốc mua bất động sản vì mục đích đầu tư và 40% mua để sử dụng. Nhiều gia đình cũng muốn mua bất động sản tại đây để chuẩn bị cho con cái học hành tại thành phố có hơn 700 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.

Guy Meacock, giám đốc tại công ty đại diện cho người mua Prime Purchase, đã giúp cho một nữ doanh nhân Trung Quốc mua tới 7 bất động sản tại London. Khách hàng này đã mua nhưng căn hộ trị giá nhiều triệu bảng với 2 hoặc 3 phòng ngủ tại các khu vực đắt nhất của London, gồm Westminster, Kensington và Chelsea.

Khác với những người mua khác, nữ doanh nhân này thích mua các tòa nhà cũ bởi đa phần chúng có vị trí tốt hơn những dự án mới. Khi cần, bà ấy sẽ lắp đặt những nhà bếp mới, phòng tắm mới và có những cải tạo khác nếu cần, Meacock cho biết.

“Từ lâu người ta đã nói đến việc nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào bất động sản tại London tăng mạnh, do tầng lớp trung lưu đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác”, Grainne Gilmore, chuyên gia nghiên cứu của Knight Frank khẳng định với Tạp chí bất động sản London. Công ty này dự báo nhu cầu từ Trung Quốc sẽ còn tăng cao nữa do Bắc Kinh đang nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài.

Tại thành phố Ôn Châu, chính quyền nơi đây đã đề xuất việc cho phép người dân đầu tư vào các doanh nghiệp ở nước ngoài. London được đánh giá là địa điểm đầu tư được ưu tiên hàng đầu. “Hiện vấn đề chỉ còn là thời gian khi phần còn lại của quốc gia này sẽ đi theo đề xuất trên”, Gilmore nhận định.

“Họ thích những bất động sản ở vùng một hoặc hai, lý tưởng nhất là gần ga tàu điện ngầm. Ngoài ra những tòa nhà gần sông cũng được ưa chuộng, cũng như những công trình có thể đảm bảo rằng khu vực xung quanh hấp dẫn và ở trong tình trạng tốt”, Neil Batty, một chuyên gia khác của Knight Frank cho biết.

Sự hào hứng của người Trung Quốc với thị trường bất động sản tư nhân tại Anh một phần bắt nguồn từ các biện pháp hạ nhiệt thị trường trong nước của chính phủ nước này. Trong vòng 3 năm qua, Bắc Kinh đã ban hành không dưới 17 biện pháp để ngăn chặn “bong bóng” bất động sản, từ hạn chế các khoản tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực này, tới áp thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán bất động sản trong vòng 2 năm sau khi mua.

Kết quả là, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không còn mặn mà với thị trường trong nước. Do đó họ tìm đến những thị trường nước ngoài, như Mỹ hay Anh.

Thanh Tùng
Tổng hợp